Theo quan niệm xa xưa, tứ chứng nan y bao gồm 4 bệnh “ Phong – Lao – Cổ – Lại”. Trong đó Phong là bệnh phong (hay bệnh hủi), Lao là bệnh lao, Cổ có nghĩa là cổ trướng (xơ gan), còn Lại có nghĩa là bệnh ung thư. Hiện nay các bệnh trên đều đã có những phương pháp điều trị tuy nhiên ung thư vẫn là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu thế giới với tỷ lệ tử vong luôn đứng hàng đầu. Việc chữa trị bệnh hiện nay cũng đã có nhiều tiến triển mới và là niềm hi vọng của bệnh nhân ung thư. Ngoài các phương pháp điều trị phổ biến như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp sử dụng hormon trong ung thư ngày càng được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả điều trị cao.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem:
- Liệu pháp hormon điều trị ung thư là gì?
- Tác dụng chống ung thư của liệu pháp hormon như thế nào?
- Các loại liệu pháp hormon
- Một số loại thuốc nội tiết trong liệu pháp hormon
- Tác dụng phụ và theo dõi sau điều trị ung thư bằng hormon
Mục lục
- Hormon là gì?
- Liệu pháp hormon điều trị ung thư là gì?
- Liệu pháp hoóc môn có chống ung thư như thế nào?
- Các loại liệu pháp hormon
- Đối tượng được điều trị bằng liệu pháp hormon
- Kết hợp liệu pháp hormon với các phương pháp điều trị ung thư khác
- Điều trị bằng thuốc nội tiết
- Tác dụng phụ của liệu pháp hormon
- Chi phí trị liệu bằng hoocmon là bao nhiêu?
- Sử dụng liệu pháp hormon như thế nào?
- Nơi điều trị liệu pháp hormon
- Liệu pháp hoóc môn có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
- Làm thế nào để biết liệu pháp hormone có hiệu quả?
- Sau điều trị bằng liệu pháp hormon
- Theo dõi sau điều trị
- Chế độ dinh dưỡng sau liệu pháp hormon
- Có thể làm việc trong thời gian điều trị nội tiết không?
Hormon là gì?
Để tìm hiểu về liệu pháp hormon, trước tiên bạn cần tìm hiểu hormon là gì trước!
Hormon là chất hữu cơ có chức năng điều hòa các hoạt động sống của cơ thể được sinh ra bởi một nhóm tế bào đặc biệt hoặc từ tuyến nội tiết, bao gồm các tuyến như tuyến giáp, tuyến tụy, buồng trứng ở phụ nữ và tinh hoàn ở nam giới.
Hormon có nhiệm vụ giống như “người đưa thư”. Chúng gửi các tín hiệu đến các cơ quan, các mô và các tế bào nhất định thông qua đường máu để thực hiện chức năng vốn có tại khu vực nhận.
Một số vai trò quan trọng của hormon là:
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của tế bào hoặc các mô.
- Giúp chuyển hóa thức ăn.
- Duy trì sự phát triển bình thường của cơ quan sinh sản, chức năng tình dục.
- Duy trì nhiệt độ cơ thể.
- Điều chỉnh tâm trạng và chức năng nhận thức.
Hormon tự nhiên được sản xuất bởi các tuyến hoặc các cơ quan trong cơ thể. Hormon nhân tạo hoặc tổng hợp có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Buồng trứng sản xuất ra estrogen, giúp điều tiết sinh sản và chịu trách nhiệm đối với đặc tính phái nữ như phát triển vú và gia tăng trữ mỡ. Buồng trứng cũng sản xuất progesterone (hormon mang thai), chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và các giai đoạn của thai kỳ.
Tinh hoàn sản sinh testosterone (hormon nam) và estrogen (hormon nữ). Testosterone chịu trách nhiệm cho ham muốn tình dục ở nam giới và phụ nữ, kích thích sản xuất dầu trên da, tăng khối lượng xương và biểu hiện các đặc tính nam như lông mặt, phát triển tông giọng trầm…
Tuyến yên sản xuất:
- Hormon luteinizing (LH): có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ và cùng với FSH để sản xuất tinh trùng ở nam giới.
- Hormon vỏ thượng thận (ACTH): kích thích tuyến thượng thận
- Hormon kích thích nang trứng (FSH): quy định tới việc sản xuất trứng trong buồng trứng và tinh hoàntạo ra tinh trùng.
- Hormon kích thích tuyến giáp (TSH): kích thích tuyến giáp
Các tuyến thượng thận sản xuất:
- Glucocorticoids: làm giảm đáp ứng miễn dịch cơ thể.
- Khoáng chất: giúp duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể
- Estrogen: với số lượng nhỏ, ở phụ nữ sau mãn kinh
- Testosterone ở nam giới, với số lượng nhỏ, có liên quan đến sinh sản
Tuyến tụy sản xuất glucagon, làm tăng mức đường trong máu. Insulin, làm giảm mức đường trong máu.
Một số hormon khuyến khích sự phát triển của một số bệnh ung thư, chẳng hạn như vú và tuyến tiền liệt. Nhưng, trong một số trường hợp, chúng có thể tiêu diệt, làm chậm hoặc ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển.
Liệu pháp hormon điều trị ung thư là gì?
Liệu pháp hormon là một phương pháp trị liệu toàn thân có tác dụng bổ sung, ngăn chặn hoặc loại bỏ hormon khỏi cơ thể để làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Liệu pháp hormon được sử dụng để chống lại nhiều dạng ung thư khác nhau có đặc điểm chung là khối ung thư sử dụng hormon để phát triển.
Liệu pháp hormon thường liên quan đến việc dùng các loại thuốc ngăn chặn các tế bào ung thư lấy các hormon mà chúng cần để phát triển. Trong một số trường hợp, tuyến chịu trách nhiệm sản xuất hormon sẽ được phẫu thuật cắt bỏ. Liệu pháp hormon thường được phối hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị liệu để giảm nguy cơ ung thư sẽ quay trở lại (tái phát). Nó có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và làm cho nó dễ dàng loại bỏ hơn hoặc trước khi xạ trị để thu nhỏ khối u do đó khu vực cần xạ trị sẽ nhỏ hơn.
Liệu pháp hoóc môn có chống ung thư như thế nào?
Liệu pháp hormon được sử dụng để:
- Điều trị ung thư: Liệu pháp hormon có thể làm giảm khả năng ung thư sẽ quay trở lại hoặc ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của nó.
- Giảm các triệu chứng của ung thư: Liệu pháp hormon có thể được sử dụng để giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, những người không thể phẫu thuật hoặc xạ trị.
Các loại liệu pháp hormon
Liệu pháp hormon được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm có tác dụng ngăn chặn cơ thể sản xuất hormon. Nhóm thứ hai là nhóm can thiệp vào cách thức hoạt động của hormon trong cơ thể.
Đối tượng được điều trị bằng liệu pháp hormon
Liệu pháp hormon được sử dụng để điều trị các loại ung thư dựa vào hormon để phát triển như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng. Liệu pháp hormon thường được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị ung thư khác. Các loại điều trị được áp dụng phụ thuộc vào loại ung thư, mức độ lan rộng và di căn, mức độ sử dụng hormon để phát triển của ung thư và các vấn đề sức khỏe khác của bạn.
Kết hợp liệu pháp hormon với các phương pháp điều trị ung thư khác
Khi được sử dụng với các phương pháp điều trị khác, liệu pháp hormon có thể:
- Làm cho một khối u nhỏ hơn trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị. Đây được gọi là liệu pháp trị liệu trước điều trị chính.
- Giảm nguy cơ ung thư sẽ quay trở lại sau khi điều trị chính. Đây được gọi là liệu pháp bổ trợ.
- Tiêu diệt các tế bào ung thư đã quay trở lại hoặc lan sang các bộ phận khác trong cơ thể bạn.
Điều trị bằng thuốc nội tiết
Một số loại thuốc tác động tới các tế bào sản xuất hormon để chúng có thể tạo ra hormon. Các loại thuốc khác có tác dụng chống lại hormon hoặc tác dụng phụ của hormon trong cơ thể. Các tế bào ung thư phụ thuộc vào nội tiết tố có các thụ thể (còn gọi là receptor) trên bề mặt của chúng và các thụ thể này là nơi gắn hormon vào tế bào ung thư.
Bạn sẽ được lấy một mẫu xét nghiệm từ khối u của bạn để kiểm tra xem loại thụ thể hormon nào có trên bề mặt tế bào ung thư và số lượng là bao nhiêu. Thông thường, mức độ thụ thể hormon càng cao, khối u sẽ đáp ứng nhanh hơn với liệu pháp thuốc nội tiết tố.
- Hormon Corticosteroid (steroid) được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư như: Ung thư hạch, bệnh bạch cầu và đa u tủy xương. Chúng thường được kết hợp với các loại thuốc hóa trị để tăng hiệu quả điều trị. Prednisone, dexamethasone (Decadron, Dexasone), hydrocortison và methylprednisone (Medrol) là các loại thuốc corticosteroid.
- Hormon tuyến giáp ngăn chặn sự phát triển của khối u tuyến giáp sau phẫu thuật hoặc xạ trị ung thư tuyến giáp. Chúng cũng được sử dụng để thay thế hormon tuyến giáp trong cơ thể khi tuyến giáp bị cắt bỏ. Levothyroxine (Synthroid, Eltroxin) là một loại thuốc nội tiết tố tuyến giáp.
- Thuốc chứa chất tương tự Somatostatin làm giảm số lượng hormon được tạo ra và giải phóng bởi các khối u thần kinh (NET). Chúng chủ yếu được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng của hội chứng carcinoid (mặt đỏ, tiêu chảy). Octreotide (Sandostatin, Sandostatin LAR) là một chất tương tự somatostatin.
Hormon giới tính (sinh sản) được sử dụng để điều trị ung thư cần nội tiết tố nam hoặc nữ để phát triển.
- Androgen là nội tiết tố nam và được sử dụng để điều trị ung thư vú ở nam. Fluoxymesterone (Halotestin) là một loại thuốc androgen.
- Estrogen là nội tiết tố nữ và có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn và ung thư vú di căn. Diethylstilbestrol (DES) là một loại thuốc estrogen.
- Progestin là nội tiết tố nữ. Nó được sử dụng để điều trị ung thư vú và đôi khi ung thư tử cung (nội mạc tử cung) và ung thư tuyến tiền liệt. Medroxyprogesterone (Provera) và megestrol (Megace) là các loại thuốc proestin.
- Thuốc kháng androgen được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Bicalutamide (Casodex), flutamide (Euflex) và nilutamide (Anandron) là các loại thuốc chống androgen.
- Thuốc kháng estrogen bao gồm thuốc ức chế estrogen và chất điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs). Chúng được sử dụng để điều trị ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng. Fulvestrant (Faslodex) và tamoxifen (Nolvadex, Tamofen) là các loại thuốc kháng estrogen.
- Thuốc ức chế Aromatase được sử dụng để điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh. Anastrozole (Arimidex), exemestane (Aromasin) và letrozole (Femara) là các loại thuốc ức chế aromatase.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các loại thuốc cụ thể, xem thêm tại đây.
Tác dụng phụ của liệu pháp hormon
Bởi vì liệu pháp hormon có thể ngăn chặn cơ thể bạn sản xuất hoóc môn hoặc can thiệp vào cách thức hoạt động của hormon, do vậy nó có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng phụ xảy ra phụ thuộc vào loại liệu pháp hormon bạn nhận được và cách cơ thể bạn phản ứng với nó. Mỗi người phản ứng khác nhau với cùng một loại điều trị, vì vậy không phải ai cũng bị tác dụng phụ như nhau. Một số tác dụng phụ phụ thuộc vào giới tính của bạn.
Một số tác dụng phụ phổ biến đối với đàn ông sử dụng liệu pháp hormon để điều trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Cơn bốc hỏa
- Mất hứng thú hoặc khả năng quan hệ tình dục
- Xương yếu
- Bệnh tiêu chảy
- Buồn nôn
- Vú to và mềm
- Mệt mỏi
Một số tác dụng phụ phổ biến đối với phụ nữ dùng liệu pháp hormon để điều trị ung thư vú bao gồm:
- Cơn bốc hỏa
- Khô âm đạo
- Thay đổi chu kì kinh nguyệt nếu bạn chưa đến tuổi mãn kinh
- Mất hứng thú với tình dục
- Buồn nôn
- Thay đổi tâm trạng
- Mệt mỏi
Chi phí trị liệu bằng hoocmon là bao nhiêu?
Chi phí cho liệu pháp hormon phụ thuộc vào:
- Các loại liệu pháp hormon mà bạn được điều trị
- Thời gian điều trị
- Mức độ chi trả của bảo hiểm y tế
Sử dụng liệu pháp hormon như thế nào?
Liệu pháp hormon có thể được đưa vào cơ thể theo nhiều cách. Một số cách phổ biến bao gồm:
- Uống: Liệu pháp hoóc môn có ở dạng thuốc viên
- Tiêm: Liệu pháp hoóc môn được tiêm vào phần bắp thịt ở cánh tay, đùi hoặc mông hoặc tiêm vào tổ chức dưới mỡ dưới da ở cánh tay, chân hay bụng.
- Phẫu thuật: Bạn có thể phẫu thuật để loại bỏ các cơ quan sản xuất hormon. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng ở nữ và phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn ở nam.
Nơi điều trị liệu pháp hormon
Bạn có thể được chỉ định điều trị liệu pháp hormon tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, ở những nơi có khoa hoặc trung tâm ung bướu. Bạn có thể dùng thuốc tại nhà.
Liệu pháp hoóc môn có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
Liệu pháp hormon ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau. Bạn cảm thấy như thế nào tùy thuộc vào loại ung thư bạn mắc phải, mức độ tiến triển của nó, loại liệu pháp hormon bạn đang dùng và liều lượng điều trị. Bác sĩ và y tá của bạn không thể biết chắc chắn bạn sẽ cảm thấy như thế nào trong quá trình trị liệu bằng hormon.
Làm thế nào để biết liệu pháp hormone có hiệu quả?
Nếu bạn đang dùng liệu pháp hormone cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt, bạn sẽ được xét nghiệm PSA thường xuyên. Nếu liệu pháp hormone đang hoạt động, mức PSA của bạn sẽ giữ nguyên hoặc thậm chí có thể giảm xuống. Nhưng, nếu mức PSA của bạn tăng lên, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy việc điều trị không còn hiệu quả. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị khác với bạn.
Sau điều trị bằng liệu pháp hormon
Sự phục hồi trong và sau khi điều trị hormon phụ thuộc vào:
- Loại liệu pháp hormone được sử dụng
- Tình trạng sức khỏe chung của bạn và đáp ứng với liệu pháp hormon như thế nào?
- Tác dụng phụ bạn gặp phải
Các bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện sau khi điều trị liệu pháp hormon.
Theo dõi sau điều trị
Bạn sẽ được tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ:
- Để xem ung thư đáp ứng với liệu pháp hormon như thế nào
- Để xem bạn đang dung nạp liệu pháp hormon ra sao
- Thảo luận về các cách làm giảm và điều trị các tác dụng phụ
Nếu bạn đang dùng liệu pháp hormon cho bệnh ung thư vú, bạn sẽ cần kiểm tra thường xuyên. Kiểm tra thường bao gồm kiểm tra vùng cổ, nách, ngực và vú. Bạn sẽ được chụp X- quang tuyến vú thường xuyên. X-quang và chụp cắt lớp giúp quan sát những thay đổi về kích thước và sự lan rộng của u vú di căn.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các chẩn đoán hình ảnh khác như Xạ hình xương (dùng chất phóng xạ để ghi hình xương) giúp phát hiện di căn xương và khi đã có di căn xương sẽ theo dõi di căn xương đang tiến triển hay đang thoái lui.
Hoặc bạn sẽ được làm các xét nghiệm khác như xét nghiệm chất CA125 và CEA sẽ giúp cho việc đánh giá đáp ứng của ung thư với điều trị và phát hiện các di căn của ung thư mà chưa có dấu hiệu bộc lộ ra ngoài. Nồng độ của các chất chỉ điểm khối u này trong máu tương ứng với tiến triển của ung thư vú ở 60-70% bệnh nhân ung thư vú di căn.
Chế độ dinh dưỡng sau liệu pháp hormon
Liệu pháp hormon cho ung thư tuyến tiền liệt có thể gây tăng cân. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị cho bạn, nếu có thể, tốt nhất hãy hỏi ý kiến từ một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.
Có thể làm việc trong thời gian điều trị nội tiết không?
Liệu pháp hormon không làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn do vậy bạn vẫn có thể tiếp tục công việc của mình.