Mang thai

Ngày rụng trứng có biểu hiện gì? 5 dấu hiệu rụng trứng bạn cần biết

Bạn có biết, trung bình mỗi một tháng chỉ có 1 quả trứng phát triển và được giải phóng khỏi buồng trứng. Sau khi rụng, trứng chỉ sống trong khoảng thời gian từ 12 đến 24 giờ. Do vậy, để có thai, trứng cần gặp tinh trùng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này.  Có 2 lý do khiến bạn cần biết thời điểm rụng trứng đó là: Bạn đang muốn có bầu hoặc cần tránh thai. Đọc bài viết dưới đây để nhận biết ‘thời điểm vàng’.

Xem thêm: Làm sao để có thai? 10 cách có thai nhanh hơn

Khi nào rụng trứng xảy ra?

ngày rụng trứng có biểu hiện gì

Thông thường, sự rụng trứng thường xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt của bạn, một chu kì thường kéo dài trung bình 28-30 ngày kể từ ngày bắt đầu hành kinh của tháng này đến ngày cuối cùng trước khi bắt đầu hành kinh của tháng sau. Tuy nhiên có những chu kì ngắn chỉ 23 ngày và những chu kì kéo dài tận 35 ngày, thậm chí, nếu bạn là người có kinh nguyệt đều, vẫn có sự thay đổi giữa các tháng.

Nhận biết thời gian rụng trứng sẽ giúp bạn tăng cơ hội thụ thai. Bởi vì để có thể thụ thai, bạn nên quan hệ trong thời gian từ một đến hai ngày trước và khoảng 24 giờ sau khi trứng rụng. Tại sao lại chọn mốc 24h sau khi trứng rụng? Vì tinh trùng thì có thể sống được 3 ngày nhưng trứng chỉ sống sót được khoảng 12 – 24 tiếng sau khi rụng.

5 Dấu hiệu rụng trứng bạn cần biết

1. Kiểm tra lịch

Theo dõi kinh nguyệt của bạn trong vài tháng liên tiếp để biết được chu kì bình thường kéo dài bao nhiêu ngày.  Nếu bạn có chu kỳ 28 ngày thì có nhiều khả năng bạn sẽ rụng trứng vào ngày thứ 14 của chu kỳ. Còn nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 28-32 ngày, hiện tượng rụng trứng có thể xảy ra từ ngày thứ 11 đến ngày 21 và bạn cần tham khảo thêm các dấu hiệu khác. Nếu kinh nguyệt không đều hoặc cách nhau hơn 36 ngày, bạn nên đi gặp bác sĩ. Đôi khi, chu kỳ bất thường có thể do hội chứng buồng trứng đa nang hoặc rối loạn tuyến giáp. Những bệnh này có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.

2. Lắng nghe cơ thể của bạn

20% phụ nữ xuất hiện cơn co đau hoặc co thắt ở vùng bụng dưới khi rụng trứng, đau ở bên buồng trứng có sự rụng trứng. Cơn đau này được gọi là mittelschmerz – tiếng Đức có nghĩa là “đau giữa kỳ”.

Đau Mittelschmerz thường kéo dài một vài phút đến vài giờ, nhưng nó cũng có thể kéo dài 1–2 ngày. Các triệu chứng của tình trạng này gồm:

  • Đau ở một phía của bụng dưới
  • Đau âm ỉ và giống như bị co thắt
  • Đau đột ngột và đau nhói
  • Đau kèm theo chảy máu âm đạo nhẹ hoặc khí hư
  • Cơn đau hiếm khi nghiêm trọng

Đau Mittelschmerz xảy ra ở bên buồng trứng phóng thích trứng (rụng trứng). Cơn đau có thể đổi vị trí mỗi tháng hoặc bạn có thể cảm thấy đau ở cùng một bên trong vài tháng.

Theo dõi các chu kỳ kinh nguyệt của bạn trong vài tháng và lưu ý nếu bạn cảm thấy đau bụng dưới. Nếu cơn đau xảy ra giữa chu kỳ kinh và tự hết mà không cần điều trị, nhiều khả năng đó là Mittelschmerz.

3. Theo dõi nhiệt độ của bạn

Nhiệt độ cơ thể cơ bản của bạn hay BBT. Nhiệt độ cơ thể được đo vào buổi sáng, sau ít nhất 3 đến 5 giờ ngủ và trước khi bước ra khỏi giường thậm chí là chưa nói chuyện hoặc ngồi dậy.

BBT thay đổi trong suốt chu kỳ của bạn khi sự dao động nồng độ hormone xảy ra. Trong nửa đầu của chu kỳ, estrogen chiếm ưu thế. Trong nửa sau khi rụng trứng, progesterone tăng đột biến, làm tăng nhiệt độ cơ thể vì nó giúp tử cung của bạn sẵn sàng cho trứng được thụ tinh làm tổ. Điều đó có nghĩa là nửa tháng đầu nhiệt độ cơ thể sẽ thấp hơn ở nửa tháng sau.

Nhiệt độ cơ thể cơ bản sẽ đạt đến điểm thấp nhất khi rụng trứng và sau đó tăng ngay lập tức khoảng nửa độ ngay khi trứng rụng.

Hãy nhớ rằng việc lập biểu đồ BBT của bạn chỉ trong một tháng sẽ không cho phép bạn dự đoán ngày bạn rụng trứng mà chỉ cung cấp cho bạn bằng chứng về sự rụng trứng sau khi nó xảy ra. Tuy nhiên, theo dõi nó trong một vài tháng để xác định mô hình thân nhiệt. Khi bạn xác định được chu kỳ tăng nhiệt độ mỗi tháng, bạn có thể đoán được thời điểm rụng trứng bằng cách sau:

  • Tìm xem thời điểm nhiệt độ tăng cao đều đặn vào mỗi tháng.
  • Đánh dấu vào hai hay ba ngày trước khi nhiệt độ tăng cao. Có khả năng bạn rụng trứng vào những ngày này.
  • Ghi chép này cũng có thể giúp ích để cung cấp cho bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng hiếm muộn.

Có thể bạn không xác định được quy luật. Nếu không thể xác định được quy luật sau nhiều tháng, bạn cần dùng thêm các phương pháp khác kết hợp với việc theo dõi BBT.

Thân nhiệt cơ bản có thể thất thường do các thay đổi trong nhịp sống hàng ngày như làm ca đêm, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, quá trình di chuyển hoặc uống rượu.

Thân nhiệt cơ bản cũng có thể thay đổi khi stress gia tăng, kể cả các kỳ nghỉ lễ hoặc khi bị bệnh, khi đang dùng thuốc hoặc do tình trạng phụ khoa.

4. Nhận biết sự thay đổi ở cổ tử cung

Khi cơ thể bạn cảm nhận được sự thay đổi hormone cho thấy trứng sắp được phóng ra khỏi buồng trứng, nó bắt đầu chuẩn bị để cho tinh trùng có các điều kiện thuận lợi nhất để gặp trứng.

Một dấu hiệu có thể phát hiện là vị trí của cổ tử cung. Khi bước vào thời kỳ rụng trứng, cổ tử cung thường mềm hơn và mở to hơn để cho tinh trùng dễ dàng đi qua. Còn trước và sau khi rụng trứng, khi sờ bề mặt cổ tử cung có cảm giác giống như đầu mũi, hơi cứng và ít lún khi sờ. Đối với hầu hết phụ nữ sẽ mất một thời gian để có thể phân biệt giữa cổ tử cung thường thấy như thế nào và những thay đổi xảy ra khi rụng trứng. Kiểm tra cổ tử cung của bạn hàng ngày, sử dụng một hoặc hai ngón tay và ghi lại các thay đổi nếu có. Tuy nhiên chỉ có những người phụ nữ thật nhạy cảm và có kinh nghiệm mới nhận biết và kiểm tra được sự khác biệt này.

Dấu hiệu cổ tử cung khác mà bạn có thể theo dõi là thay đổi dịch nhờn, thường được gọi là dịch nhờn âm đạo tuy nhiên nó xuất phát từ cổ tử cung. Chất nhờn này có thành phần như acid lactic, hydrocarbon, nước…

Dịch nhờn này có tác dụng cân bằng môi trường âm đạo và đưa các tế bào chết, vi khuẩn ra khỏi âm đạo làm cho âm đạo luôn sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra nó còn có chức năng tạo điều kiện để tinh trùng dễ di chuyển vào tử cung để gặp trứng hơn.

Dịch nhờn thường có màu trắng trong hay trắng đục, có thể ngả vàng, hơi dính và tùy thuộc vào thời gian của chu kì kinh nguyệt màu sắc và số lượng dịch có thể thay đổi ít nhiều.

Trong một chu kì khinh nguyệt, dịch nhờn âm đạo có thể tiết ra bất cứ thời điểm nào, nhưng trong những ngày sắp rụng trứng hay trong thời gian rụng trứng sẽ tiết nhiều dịch nhất. Nguyên nhân là do dịch nhờn âm đạo chịu ảnh hưởng của nội tiết tố nữ. Sau kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố nữ  (estrogen) tăng cao do vậy dịch nhờn cũng tăng lên, trước khi rụng trứng chất nhờn lại càng nhiều và đến khi phóng noãn chất nhờn tiết ra nhiều nhất.

Bằng cách quan sát và kiểm tra độ dính của chất nhờn, bạn có thể dự đoán được thời điểm rụng trứng

  • Trước khi rụng trứng: sau khi hành kinh, âm đạo sẽ khô ráo trong vài ngày
  • Trong thời điểm rụng trứng: lúc này chất nhờn tiết ra nhiều nhất và giống như lòng trắng trứng. Trong thời điểm này khả năng thụ thai là cao nhất, chất nhờn sẽ giúp tinh trùng bơi đến gặp trứng nhanh nhất. Thời điểm này bạn sẽ có cảm giác ẩm ướt nhất.
  • Sau khi rụng trứng: lúc này âm đạo của bạn cũng sẽ khô hơn vì chất nhờn sẽ dính và đặc sánh lại. Khả năng thụ thai trong thời gian này là không cao.

Trong trường hợp chất nhờn tiết ra nhiều hơn bình thường không theo giai đoạn hoặc có màu sắc khác thường như: màu vàng, màu xanh kèm mủ, có mùi hôi thì bạn nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa.

5. Mua bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng

Bộ dụng cụ dự đoán ngày rụng trứng hay còn được gọi là que thử rụng trứng. Dụng cụ này sẽ giúp phát hiện ra sự gia tăng hormone luteinizing, hay LH trong nước tiểu, xác định ngày rụng trứng trước 12 đến 24 giờ. Hormone này đạt đến đỉnh điểm trước khi rụng trứng. Đặc biệt nó có độ tin cậy rất cao, nhờ đó cho kết quả chính xác. Tuy nhiên nhược điểm của dụng cụ này chính là, nó chỉ đo được lượng hormone LH nhưng nó lại không biết được trứng có rụng hay không. Để có thể có kết quả chính xác tối đa thì nên sử dụng đúng theo hướng dẫn ở trên que thử.

Bạn có thể lấy nước tiểu vào bất kì thời điểm nào trong ngày và không nên lấy mẫu vào sáng sớm sau khi thức dậy vì sáng sớm nồng độ luteinizing hormone trong cơ thể thường tăng cao dẫn đến kết quả không chính xác.

Một lựa chọn khác là xét nghiệm nước bọt, đo nồng độ estrogen trong nước bọt của bạn khi gần đến ngày rụng trứng. Dùng bàn chải lấy chút xíu nước bọt trong miệng, phết lên một tấm kính nhỏ. Chờ nó khô đi rồi soi dưới kính hiển vi. Nếu muối NaCl trong nước bọt hiện lên dưới dạng chấm nhỏ thì ngày rụng trứng còn rất xa. Thử nghiệm tiếp vào ngày hôm sau, bạn có thể thấy các chấm đã nối với nhau thành chuỗi. Khi hình ảnh lá dương xỉ hiện lên là lúc ngày rụng trứng đang tới gần.

Ngoài ra còn có các thiết bị phát hiện nhiều loại muối (clorua, natri, kali) trong mồ hôi của phụ nữ, chúng thay đổi trong các thời điểm khác nhau trong tháng. Được gọi là sự gia tăng ion clorua, sự thay đổi này xảy ra ngay cả trước khi tăng estrogen và LH, vì vậy các xét nghiệm này cho phép ước lượng thời gian cảnh báo rụng trứng từ 2 đến 4 ngày  so với chỉ 12 đến 24 giờ mà các biện pháp thông thường đem lại.

Lưu ý:

Không có bộ dụng cụ nào có thể đảm bảo rằng bạn sẽ mang thai hoặc bạn đang thực sự rụng trứng; chúng chỉ có thể chỉ ra khi nào rụng trứng có thể xảy ra. Vì vậy, cho dù bạn chọn phương pháp nào, sự kiên nhẫn và kiên trì là chìa khóa! Đừng quên tổ chức một bữa tối dưới ánh nến, tắm bồn nước ấm hoặc lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ cuối tuần lãng mạn – bất cứ điều gì khiến bạn và người ấy có tâm trạng thoải mái nhất.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment