- 2 bạn lấy nhau đã lâu mà chưa có tin vui?
- Bạn đã sử dụng nhiều phương pháp hỗ trợ mà kết quả vẫn thất vọng?
Thay vì ngồi đó thất vọng, trách móc hay buồn rầu vì mình không được may mắn. Tại sao bạn không sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay IVF?
Bạn còn nhiều băn khoăn về phương pháp này như quy trình thế nào? Giá có đắt không? Làm thụ tinh trong ống nghiệm có nguy cơ gì không? Tác dụng phụ thế nào?
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn.
Xem thêm: Làm sao để có thai? 10 cách có thai nhanh hơn
Mục lục
- Thụ tinh trong ống nghiệm hay IVF là gì?
- Khi nào nên làm thụ tinh trong ống nghiệm?
- IVF được làm như thế nào?
- IVF sử dụng phôi đông lạnh như thế nào?
- Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm có cao không?
- IVF có gây ra tác dụng phụ nào không?
- IVF có gây rủi ro nào cho em bé không?
- IVF có giá bao nhiêu?
Thụ tinh trong ống nghiệm hay IVF là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn, trong đó, tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (thường 2-5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ.Em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp IVF vào năm 1978 và từ đó tới nay đã có khoảng 5 triệu người đã thực hiện IVF và các công nghệ sinh sản khác trên toàn thế giới. ngày nay, có hơn 200.000 ca IVF được thực hiện mỗi năm tại Mỹ và gần 73.000 trẻ được sinh ra mỗi năm.
Khi nào nên làm thụ tinh trong ống nghiệm?
Bạn có thể được bác sĩ đề nghị làm một số phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản khác trước khi chuyển sang IVF. Nhưng nếu người phụ nữ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng nghiêm trọng, rối loạn rụng trứng, giảm dự trữ buồng trứng, chất lượng trứng kém hoặc lạc nội mạc tử cung, IVF có thể là lựa chọn duy nhất để có thai. Đối với nam giới, IVF được sử dụng trong trường hợp lượng tinh trùng thấp hoặc yếu. Ngoài ra nó còn được dùng cho một số cặp đồng giới, cặp vợ chồng sử dụng trứng hiến tặng hoặc những người có thể cần sàng lọc phôi khi có lo ngại về vấn đề di truyền.
IVF được làm như thế nào?
Rất nhiều thứ liên quan đến một chu kỳ IVF, và may mắn thay, bạn sẽ có cả một đội ngũ bác sĩ và y tá để giúp bạn trong quá trình này. Đây là những gì bạn có thể mong đợi:
Ức chế buồng trứng bằng thuốc tránh thai
Ôi! Nghe có vẻ trớ trêu! Tuy nhiên kKhông phải tất cả phụ nữa làm IVF sẽ bắt đầu với bước này. Một số phác đồ hỗ trợ sinh sản đòi hỏi phải sử dụng thuốc viên ngừa thai trước khi tiến hành kích thích buồng trứng. Sử dụng thuốc viên ngừa thai có tác dụng chủ động xếp lịch chọc hút trứng thụ tinh trong ống nghiệm, ức chế hormone tự nhiên để chu kỳ IVF của bạn có thể được tối ưu hóa thời gian.
Tiêm hormone
Phần lớn các chu kỳ IVF được thực hiện bằng cách tiêm hormone – thường là với hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone luteinizing (LH) hoặc cả hai, mặc dù sự kết hợp các hormone chính xác được sử dụng sẽ là duy nhất cho bạn – được sử dụng để kích thích buồng trứng của bạn. (Cũng có thể thực hiện IVF mà không cần kích thích buồng trứng trong cái gọi là “IVF chu kỳ tự nhiên” hay “IVF không kích thích”, nhưng những phương pháp đó rất không phổ biến.) Trong giai đoạn kích thích buồng trứng này, bạn sẽ được làm xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ hormone, siêu âm để xem có bao nhiêu nang trứng đang phát triển và chúng phát triển tốt như thế nào. Siêu âm cũng sẽ theo dõi được độ dày của niêm mạc tử cung.
Kích thích rụng trứng
Khi các nang trứng của bạn đã sẵn sàng để lấy trứng (sau khoảng 8 đến 14 ngày), bạn sẽ được tiêm gonadotropin màng đệm ở người (hCG) hoặc một loại thuốc khác như Lupron (leuprolide) để giúp trứng trưởng thành và kích hoạt rụng trứng.
Chọc hút trứng
Trứng của bạn sẽ sẵn sàng để lấy khoảng 36 giờ sau khi sử dụng hCG để kích thích rụng trứng. Bác sĩ sẽ lấy trứng qua âm đạo bằng một cây kim nối với thiết bị hút dưới hướng dẫn của siêu âm dẫn đến buồng trứng, sau đó hút dịch và trứng từ mỗi nang trứng. Hầu hết các bác sĩ cố gắng lấy tới 15 quả trứng trong mỗi chu kỳ, mặc dù số lượng có thể ít khoảng 2-3 trứng hoặc nhiều hơn 15. Việc lấy trứng thường mất 20 đến 40 phút và được tiêm thuốc an thần để bạn không cảm thấy khó chịu.
Sau khi làm thủ thuật này, có thể bạn sẽ cảm thấy lảo đảo, nên bạn hãy nhờ người khác chở về nhé! Khi về nhà, bạn hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Tránh các hoạt động nặng nhọc, thậm chí là quan hệ tình dục cho tới sau khi thử thai.
Lấy tinh trùng
Trong khi bạn đang bận rộn với việc lấy trứng, thì chồng bạn cũng đang bận rộn với việc lấy tinh trùng. Điều này thường diễn ra cùng ngày với việc chọc hút trứng. Nếu bạn sử dụng tinh trùng đông lạnh từ người hiến tặng hoặc của chồng bạn thì tinh trùng đông lạnh trước đó, nơi làm IVF cho bạn sẽ làm tan đông khi cần thiết.
Tạo phôi
Giờ là thời gian để thụ tinh! Tạo phôi có thể được tiến hành bằng một trong hai phương pháp phổ biến sau:
- Thụ tinh: Trong quá trình thụ tinh, tinh trùng khỏe mạnh và trứng trưởng thành được trộn lẫn và ủ qua đêm. Khoảng 50.000 đến 100.000 tinh trùng sẽ được sử dụng với hi vọng sự thụ tinh sẽ xảy ra.
- Tiêm tinh trùng Intracytoplasmic (ICSI): Từng tinh trùng khỏe mạnh sẽ được tiêm trực tiếp vào mỗi trứng trưởng thành. ICSI thường được sử dụng khi chất lượng tinh trùng kém hoặc số lượng tinh trùng quá ít hoặc vợ chồng bạn từng thất bại khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Các đĩa nuôi cấy được để trong lồng ấp đặc biệt và kiểm tra 12 đến 24 giờ sau để xem có thụ tinh không. Theo một số ước tính, khoảng 50% trứng trưởng thành được thụ tinh bằng cách thụ tinh tiêu chuẩn và 50% đến 70% được thụ tinh thông qua ICSI. Những người khác đặt tỷ lệ thành công ở mức 80% trứng trưởng thành được thụ tinh thông qua IVF.
Kiểm tra phôi
Một bác sĩ chuyên ngành mô phôi sẽ theo dõi từng phôi đang phát triển trong vòng 3 đến 6 ngày tới, để xem phôi có tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh không. Đến ngày thứ 3 sau khi thụ tinh, mục tiêu là có phôi từ 6 đến 8 tế bào và đến ngày thứ 5 hoặc 6, cần có một phôi nang khỏe mạnh. Khoảng 30 đến 50 phần trăm phôi IVF được nuôi tới giai đoạn phôi nang. Bất kỳ phôi nào chưa được sử dụng sẽ được trữ lạnh để dùng trong tương lai.
Kiểm tra di truyền
Nếu người vợ hoặc chồng có mắc các bệnh về di truyền, phôi sẽ được sinh thiết (lấy ra một hoặc nhiều tế bào) để kiểm tra có mang gen bệnh không.
Bổ sung progesterone
1 đến 2 ngày sau khi thụ tinh (thường là vào ngày lấy trứng hoặc ngày chuyển phôi), bạn có thể bắt đầu được bổ sung progesterone bằng cách tiêm, đặt thuốc đặt âm đạo hoặc gel âm đạo để tối ưu hóa niêm mạc tử cung cho việc chuyển và cấy phôi. Thuốc này thường được tiếp tục sử dụng cho đến khi có kết quả thử thai dương tính và thường trong vòng 8 đến 10 tuần của thai kỳ.
Chuyển phôi
Khoảng 2 đến 5 ngày sau khi lấy trứng và thụ tinh (hoặc nếu bạn sử dụng phôi đông lạnh, bất cứ khi nào niêm mạc tử cung của bạn đã sẵn sàng để cấy ghép), một hay nhiều phôi sẽ được chuyển vào tử cung của bạn. Số lượng trứng được chuyển sẽ phụ thuộc vào tuổi của bạn – ví dụ như phụ nữ dưới 35 tuổi nên được cấy từ 1 đến 2 phôi. Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ đưa một ống thông mỏng, có thể điều khiển linh hoạt qua âm đạo và cổ tử cung của bạn vào tử cung, sau đó nhẹ nhàng đặt ống tiêm có chứa phôi, đặt nó vào tử cung với hy vọng nó sẽ được cấy và tiếp tục để phát triển mà không xảy ra hiện tượng đào thải.
Ở một số nơi, người ta dùng một loại keo để giúp phôi bám vào thành tử cung trong quá trình cấy ghép. Khi chuyển phôi, bạn sẽ tỉnh táo hoàn toàn mà không cần phải gây mê. Nếu bạn thích, bác sĩ sẽ cho bạn theo dõi quá trình trên màn hình siêu âm. Hầu hết các bác sĩ khuyên nên giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái trong 5 ngày đầu tiên sau khi chuyển phôi để giảm thiểu khả năng co bóp tử cung có thể ngăn phôi thai cấy vào. Vì lý do tương tự, bạn có thể được khuyên không nên quan hệ tình dục.
Thử thai
Khoảng 2 tuần sau khi chuyển phôi, bạn sẽ có xét nghiệm máu để xác nhận xem IVF có thành công hay không. Đừng quá háo hức thử thai sớm tại nhà trước khi làm xét nghiệm máu, vì xét nghiệm quá sớm sẽ cho bạn kết quả dương tính giả (nếu bạn đã tiêm hCG) hoặc âm tính giả (vì quá sớm để thai kì tiết hCG vào nước tiểu).
IVF sử dụng phôi đông lạnh như thế nào?
Có một xu hướng nhất định ở Hoa Kỳ đối với việc sử dụng phôi đông lạnh nhiều hơn trong chu kỳ IVF so với phôi tươi. Điều đó bởi vì các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ sử dụng phôi đông lạnh sẽ ít có khả năng sinh non và sinh con với cân nặng thấp.
Nó hoạt động như thế nào?
Trứng được lấy và thụ tinh trong phòng thí nghiệm như trong một chu kỳ IVF bình thường. Khi phôi đã phát triển đến giai đoạn phôi nang, chúng được đông lạnh để có thể giữ cho phôi sống nhưng trong tình trạng ổn định để chúng có thể được làm tan đông và cấy vào giai đoạn sau.
Một chu kỳ chuyển phôi đông lạnh sử dụng ít thuốc hơn so với chu kỳ phôi tươi. Bạn vẫn cần một số hormone để tử cung sẵn sàng, nhưng bạn sẽ có thể bỏ qua các loại thuốc kích thích buồng trứng. Một lợi ích tiềm năng khác đó là bạn không phải căng thẳng chờ đợi xem phôi thai được thụ tinh trong phòng thí nghiệm có khỏe mạnh không do quá trình đó đã được thực hiện trước khi đông lạnh trứng, vì vậy bạn biết phôi đông lạnh mà bạn sử dụng để chuyển phôi có chất lượng cao nhất.
Nếu bạn chọn chuyển phôi đông lạnh, bạn sẽ trải qua quá trình lấy trứng giống như trong chu kỳ IVF bình thường nhưng bạn sẽ dừng ở đó. Trứng của bạn sẽ được thụ tinh và phôi khỏe mạnh nhất sẽ được đông lạnh. Bất cứ khi nào bạn sẵn sàng – cho dù đó là một năm hay vài năm nữa từ bây giờ – bạn sẽ bắt đầu một chu kỳ IVF mới mà bỏ qua tất cả các mũi tiêm hormone và lấy trứng. Thay vào đó, bạn sẽ sử dụng estrogen trong 5 đến 7 ngày. Thời gian sử dụng estrogen và liều sử dụng tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc trong quá trình siêu âm theo dõi sự phát triển của nội mạc. Thời gian sử dụng progesterone tùy thuộc vào giai đoạn của phôi được chuyển. Ví dụ:
- Nếu phôi được trữ lạnh vào ngày tuổi thứ 2, progesterone sẽ sử dụng 2 ngày trước khi chuyển phôi.
- Nếu phôi được trữ lạnh vào ngày tuổi thứ 3, progesterone sẽ sử dụng 3 ngày trước khi chuyển phôi.
Vì vậy, nếu bạn có ý định dùng phôi đông lạnh, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm được biện pháp tốt nhất trong trường hợp của bạn. Một điểm cần xem xét là nếu bạn cần nhiều chu kì IVF để có thể mang thai, bạn sẽ thấy thật tiết kiệm chi phí do bạn có thể sử dụng được các phôi đông lạnh trước đây.
Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm có cao không?
Khả năng quá trình IVF sẽ thành công phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:
Tuổi
Bởi vì càng lớn tuổi, buồng trứng của bạn càng ít có khả năng đáp ứng tốt với các loại thuốc kích thích hormone, điều đó có nghĩa là ít trứng hơn. Nói chung, càng nhiều tuổi, chất lượng trứng của bạn nói chung càng thấp (mặc dù có trường hợp ngoại lệ) và chúng có thể khó cấy vào tử cung hơn. Dưới đây là tỉ lệ thành công cho 1 lần làm IVF dựa trên tuổi:
- Đối với phụ nữ dưới 35 tuổi: 50%
- Đối với phụ nữ tuổi từ 35 đến 39: 38-44%
- Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên: 12-26%
Do đó, nếu bạn được chẩn đoán hiếm muộn, hay làm IVF càng sớm càng tốt để tăng tỉ lệ thành công.
Dự trữ buồng trứng
Dự trữ buồng trứng của bạn càng tốt (số lượng trứng thụ tinh chất lượng cao còn lại trong buồng trứng của bạn), cơ hội thành công của IVF càng cao.
Ống dẫn trứng
Tình trạng của ống dẫn trứng càng khỏe mạnh thì tỉ lệ làm IVF thành công càng cao. Ống dẫn trứng bị tắc nghẽn trong lòng chứa đầy chất lỏng có tỉ lệ thành công thấp hơn mặc dù IVF hoàn toàn bỏ qua ống dẫn trứng. Của bạn càng khỏe mạnh, tỷ lệ thành công IVF của bạn càng cao. Trong trường hợp này, thủ thuật cắt bỏ ống dẫn trứng sẽ được thực hiện để tăng tỉ lệ thành công cho IVF.
Lối sống
Lối sống càng lành mạnh, cơ hội IVF thành công càng cao, ngược lại nếu lối sống thiếu lành mạnh (hút thuốc, béo phì, thiếu cân) thì cơ hội thành công IVF càng thấp.
Hãy nhớ rằng các địa chỉ có thể thực hiện IVF khác nhau thì tỉ lệ thành công cũng khác nhau.
IVF có gây ra tác dụng phụ nào không?
Đối với các cặp vợ chồng không thể thụ thai, IVF có thể tạo ra điều kì diệu đó và hạnh phúc chính là: Em bé trong mơ của họ cuối cùng đã trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, còn nhiều điều tốt đẹp như: IVF là một thủ tục an toàn và thường thành công. Tuy nhiên, IVF có một tỉ lệ nhỏ về tác dụng phụ. Đây là những gì cần chú ý trong chu kỳ IVF của bạn:
Sau khi tiêm hormone. Tiêm thuốc hỗ trợ sinh sản đi kèm với các tác dụng phụ phổ biến sau:
- Vú mềm
- Tâm trạng lâng lâng
- Nhức đầu
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Đầy hơi
- Bầm tím (nơi tiêm hormon)
- Mệt mỏi
Trong một số ít trường hợp, phụ nữ có thể phát triển các dạng hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) nhẹ. Hội chứng quá kích buồng trứng xảy ra khi cơ thể người phụ nữ được kích thích quá nhiều hoặc quá nhanh trong quá trình điều trị khả năng sinh sản bằng biện pháp kích trứng. OHSS có thể khiến buồng trứng của bạn bị sưng và đau. Các triệu chứng của hội chứng OHSS bao gồm: buồn nôn, nôn, đầy hơi, tăng cân nhanh, đau bụng dữ dội, chóng mặt, giảm tiểu tiện và khó thở. Nếu thấy những dấu hiệu này xuất hiện sau khi tiêm hoặc uống thuốc kích trứng, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ và đến bệnh viện để được điều trị.
Sau khi lấy trứng. Đau thắt nhẹ và đầy hơi là điều bình thường xảy ra sau khi lấy trứng. Triệu chứng đau có thể thuyên giảm bằng việc sử dụng các thuốc giảm đau thông thường.
Sau khi chuyển phôi. Bạn có thể nhận thấy ra một chút máu hoặc dịch trong sau khi chuyển. Tuy nhiên đó là dấu hiệu bình thường và không phải là dấu hiệu cho thấy phôi đã bị hỏng. Nó là kết quả của việc tác động vào cổ tử cung trong quá trình chuyển. Các triệu chứng khác như đau thắt nhẹ, đầy hơi thậm chí là đau nhói vài ngày sau khi chuyển cũng không có gì là bất thường. Liên hệ với bác sĩ nếu bạn có thắc mắc về bất kỳ nỗi đau bạn đang gặp phải.
OHSS muộn, phát triển sau khi cấy ghép thành công, thường là sau khi lấy trứng một tuần hoặc lâu hơn, ít phổ biến hơn nhiều so với OHSS sớm, nhưng thường nặng hơn. Các triệu chứng của OHSS nghiêm trọng bao gồm:
- Tăng cân nhanh chóng (hai cân trở lên mỗi ngày)
- Đầy hơi và / hoặc đau bụng dữ dội
- Đi tiểu giảm
- Đau buồng trứng
- Buồn nôn, nôn và tiêu chảy nghiêm trọng
- Khó thở
- Huyết áp thấp
Khi có bất kì triệu chứng nào trên đây, bạn cần phải đến bác sĩ ngay lập tức.
IVF có gây rủi ro nào cho em bé không?
Mặc dù IVF thường an toàn cho cả mẹ và bé, nhưng nó có một số rủi ro đối với sức khỏe của cả 2 mẹ con.
Đối với sức khỏe của bé. Rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe của bé đó là hiện tượng mang đa thai. Trong quá trình chuyển phôi sẽ có nhiều phôi được chuyển vào tử cung của bạn nhằm mục đích gia tăng cơ hội mang thai. Việc mang đa thai khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ chuyển dạ sớm, sinh con nhẹ cân.
Đối với sức khỏe của mẹ. Đối với các bà mẹ, mang thai IVF bao gồm tăng nguy cơ sảy thai, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, rau tiền đạo, bong nhau thai và cần phải sinh mổ.
Quá trình IVF cũng có thể cần sự số cố gắng về cả thể chất lẫn tinh thần từ cả hai vợ chồng. Nếu bạn đang gặp phải lo lắng hoặc trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ để bạn có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
IVF có giá bao nhiêu?
Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng, các bệnh lí kèm theo và phác đồ điều trị, cơ địa mỗi người và khả năng đáp ứng thuốc. Theo đó, số tiền mà từng cặp vợ chồng cần chuẩn bị để thụ tinh trong ống nghiệm không giống nhau.
Chi phí làm IVF ở Việt Nam có mức khá rẻ so với các nước khác, ví dụ tại Mỹ chi phí khoảng 15.000 – 25.000 đô la, tuy vậy ở Việt Nam, chi phí dao động từ 50-60 triệu đồng như ở bệnh viện Từ Dũ.
Dưới đây là một vài địa chỉ thụ tinh trong ống nghiệm bạn có thể tham khảo:
Tại TPHCM
Bệnh viện Từ Dũ
- Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh, Quận 1, TP.HCM
- Điện thoại: 08.5404.2829 – 08.3839.5117 – 08.3839.2722
Tại Hà Nội
Bệnh viện Phụ Sản Trung ương
- Địa chỉ: 43 Tràng Thi, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Điện thoại: 04.3825.2161
Tại Thái Nguyên
Bệnh viện A Thái Nguyên
- Địa chỉ: Đường Quang Trung – Thịnh Đán – TP. Thái Nguyên
- Điện thoại: 0208 3 846 112