Mang thai

Uống thuốc khi mang thai: Những điều mẹ bầu cần biết!

Sử dụng thuốc khi mang thai: Có an toàn hay không?

Dù rất cố gắng hạn chế, nhưng vẫn có những trường hợp bắt buộc mẹ bầu sử dụng thuốc để điều trị tình trạng sức khỏe. Trong thai kỳ, khi bị bệnh, đôi khi bạn sẽ thực hiện các biện pháp điều trị bằng thuốc giống như trước khi mang thai. Thế nhưng, mẹ bầu sử dụng thuốc nên cân nhắc đến yếu tố an toàn. Có một số loại an toàn cho thai kỳ nhưng cũng có những sản phẩm chứa thành phần có thể gây tổn hại cho em bé. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế sự ảnh hưởng của thuốc đối với thai nhi nếu biết cách dùng.

Khi mở bất cứ một tờ hướng dẫn sử dụng thuốc nào đó, kể cả thuốc kê đơn và thuốc không cần kê đơn, hầu như các nhà sản xuất thuốc đều ghi chú rằng không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Có một số thì ghi là sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Vậy làm thế nào để biết được thuốc bạn sắp dùng có an toàn cho em bé hay không?

Các loại thuốc thường được coi là “an toàn” khi mang thai

uống thuốc khi mang thai

Hãy nhớ, không có bất kỳ thuốc theo toa hoặc không theo toa, hay thảo dược – có thể được coi là an toàn 100% trong khi mang thai. Có một số loại thuốc tuyệt đối không sử dụng trong thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu vì nguy cơ gây dị tật cho thai nhi. Một số loại khác có thể được sử dụng an toàn trong thai kỳ và một số là cần thiết cho bà bầu (ví dụ vitamin, sắt, canxi… nhưng cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ)

Bất kể thuốc có được liệt kê là an toàn hay không, luôn luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng để có được tư vấn về liều lượng và phương pháp sử dụng đúng. Các loại thuốc sau đây có thể nằm trong danh sách “an toàn”:

Giảm đau, hạ sốt

Acetaminophen, hoạt chất trong Tylenol, dùng để giảm đau và hạ sốt, thường được chấp thuận cho sử dụng ngắn hạn. Chườm lạnh và nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau đầu và đau cơ trong thời gian mang thai, nhưng nếu bạn cần thêm sự trợ giúp, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng acetaminophen.

Tiêu hóa

Đau bụng, táo bón và bệnh trĩ là những vấn đề phổ biến khi mang thai. Có một số giải pháp giúp bạn ngăn ngừa những vấn đề này. Để ngăn ngừa ợ nóng, bạn không nên ăn nhiều, đặc biệt là vào buổi tối. Thay vào đó, hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa. Bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm chiên hoặc cay vì nó thường gây kích ứng dạ dày.

Nếu các triệu chứng vẫn còn, bác sĩ có thể kê đơn một loại kháng axit an toàn, ví dụ như canxi carbonate. Nếu cần thêm sự trợ giúp, bác sĩ có thể cho mẹ bầu sử dụng thuốc sucralfate để bảo vệ lớp lót dạ dày.

Để phòng ngừa táo bón và trĩ, bạn nên uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng theo sự hướng dẫn của bác sĩ cũng có thể giúp điều trị táo bón. Nếu vẫn không hết, một loại thuốc nhuận tràng nhiều chất xơ như Metamucil hoặc Fiberall sẽ được chỉ định. Tuy nhiên, bạn nên tránh thuốc nhuận tràng kích thích. Khi điều trị bệnh trĩ, sử dụng các sản phẩm có chứa glycerine nhưng tránh các loại thuốc có chứa hydrocortisone bởi loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh là an toàn với bà bầu.

Thuốc chống tiêu chảy (Kaopectate) được coi là an toàn khi điều trị với số lượng hạn chế và trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng trước tiên hãy hỏi bác sĩ của bạn để chắc chắn không ảnh hưởng tới thai nhi (hầu hết bác sĩ sẽ khuyên nên đợi cho đến sau ba tháng đầu).

Cảm lạnh và dị ứng

Rất ít phụ nữ mang thai trải qua 9 tháng mà không gặp các triệu chứng cảm lạnh hoặc dị ứng. Để điều trị, cách tốt nhất là bạn nên thực hiện các biện pháp không dùng đến thuốc như nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đặc biệt là những loại nước ấm. Mặc dù cảm lạnh có thể khiến mẹ bầu khó chịu nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc mang thai. Đôi khi bệnh cúm có thể nghiêm trọng hơn ở phụ nữ có thai và dẫn đến viêm phổi. Tiêm ngừa bệnh cúm an toàn cho cả bạn và bé. Do đó, bạn nên tiêm vắc xin này trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu chưa tiêm mà bạn đã có thai, bạn có thể tiêm vắc xin này ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.

Nếu các triệu chứng cảm lạnh hoặc dị ứng ảnh hưởng đến việc ăn hoặc ngủ, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc, đặc biệt nếu bạn đã qua ba tháng đầu. Nhiều bác sĩ tin rằng thuốc kháng histamine là lựa chọn an toàn vì không ít mẹ bầu sử dụng thuốc này từ nhiều năm nay và trẻ sinh ra không bị dị tật bẩm sinh.

Để giảm ho, các bác sĩ thường khuyên dùng thuốc dextromethorphan (thuốc làm giảm cảm giác muốn ho). Tuy nhiên, bạn nên tránh các sản phẩm có chứa iốt và những sản phẩm chứa nhiều cồn bởi nó có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp đe dọa thai nhi.

Thuốc xịt mũi có chứa steroid cho nghẹt mũi có tác dụng tốt, nhưng hãy kiểm tra với bác sĩ để biết liều lượng và nhãn hiệu nên dùng. Tương tự như vậy đối với nước muối biển xịt mũi.

Các loại thuốc khác để kiểm soát các bệnh mãn tính như hen suyễn hoặc tiểu đường thường vẫn ổn để tiếp tục dùng trong thai kỳ – nhưng nó phụ thuộc vào thuốc và tình trạng của bạn, vì vậy hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.

Vitamin

Sử dụng vitamin trước khi được khuyến khích để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và đáp ứng mọi thiếu hụt dinh dưỡng.

Kem trị mẩn ngứa da

Như diphenhydramine(Benadryl) và hydrocortisone (Cortaid), được coi là an toàn với số lượng nhỏ.

Các thuốc hỗ trợ giấc ngủ

Ví dụ như Unisom, Tylenol PM, Sominex và Nytol thường được coi là an toàn khi mang thai, tuy nhiên bạn vẫn cần kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng.

Trong một số trường hợp, bác sĩ của bạn có thể sử dụng một số loại thuốc kê đơn với sự theo dõi chặt chẽ:

Kháng sinh

Một số loại kháng sinh có thể dùng cho nhiễm trùng do vi khuẩn, một số loại khác thì không được dùng cho bà bầu. Thông tin này mình sẽ trình bày rõ hơn ở dưới.

Aspirin

Có thể sẽ bị giới hạn, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, vì nó làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tiềm ẩn ở trẻ sơ sinh cũng như các biến chứng như chảy máu quá nhiều trong khi sinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng liều lượng rất thấp có thể giúp ngăn ngừa tiền sản giật trong một số trường hợp nhất định. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng Aspirin liều thấp kết hợp với thuốc chống đông Heparin có thể làm giảm tỷ lệ tái phát sảy thai ở một số phụ nữ. Trong cả hai trường hợp, chỉ sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ.

Ibuprofen (Advil hoặc Motrin)

Thường không nên được sử dụng trong thai kỳ – đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba, bởi nó có thể có tác dụng làm chống đông máu tương tự như aspirin. Chỉ sử dụng nếu được bác cho phép.

Thuốc chống trầm cảm

Một số thuốc chống trầm cảm dường như an toàn để sử dụng, mặc dù có những loại khác nên tránh hoàn toàn và một số nên được xem xét trong từng trường hợp cụ thể – nghiên cứu đang diễn ra và luôn thay đổi. Lexapro vẫn được nhiều bác sỹ kê cho phụ nữ mang thai nếu “lợi ích mà thuốc đem lại vượt trội những nguy cơ tiềm ẩn mà thuốc này có thể gây ra cho thai nhi”. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy Lexapro thực sự có thể gây ra các bệnh về tim, tật nứt đốt sống, chân quẹo và tăng nguy cơ sảy thai. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng chúng chống lại nguy cơ trầm cảm không được điều trị (hoặc được điều trị), có thể có nhiều tác dụng phụ đối với thai nhi đang phát triển.

Các loại thuốc bạn không được sử dụng trong thai kỳ

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Được kê đơn cho tăng huyết áp hoặc suy tim sung huyết. Những thuốc này có thể gây sự phát triển bất thường và có thể gây chết bào thai và trẻ sơ sinh. Có khoảng trên 12 trường hợp đã được báo cáo trên thế giới. Những ảnh hưởng có hại trên bào thai hầu như không xuất hiện trong khoảng thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy những thuốc này không nên tiếp tục sử dụng nếu như phát hiện đang mang thai.

Thuốc thông mũi pseudoephedrine và phenylephrine (Sudafed, DayQuil, Claritin-D)

Đặc biệt nếu dùng trong ba tháng đầu, có thể gây dị tật dạ dày hoặc ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến nhau thai – mặc dù một số bác sĩ sẽ khuyên dùng một lượng hạn chế trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Ngoài ra, tránh ho và thuốc cảm lạnh có chứa cồn hoặc NSAID.

Isotretinoin (Accutane)

Là loại thuốc trị mụn thường được các bác sĩ da liễu kê cho trường hợp da mụn nặng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC): “Các loại thuốc trị mụn như Accutane và Retinoid tương tự gây ra một số lượng lớn các ca khuyết tật bẩm sinh”, bao gồm dịch tràn não, biến dạng khuôn mặt, thiểu năng trí tuệ, các vấn đề về tim và hở hàm ếch.

Methotrexate

Được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến và viêm khớp dạng thấp, làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh.

Naproxen (Aleve)

Một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), không được khuyến cáo sử dụng trong khi mang thai. Naproxen được biết đến là một loại thuốc kháng viêm sử dụng để giảm đau cho các tình trạng bệnh như nhức đầu, đau nhức cơ bắp, viêm gân, đau răng và đau bụng kinh.Trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai của thai kỳ, nó có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh. Trong tam cá nguyệt thứ ba, nó có thể làm giảm lượng nước ối hoặc gây tăng huyết áp phổi.

Thuốc xịt mũi không chứa steroid và chứa ozymetazoline (Afrin)

Thường không có khuyến cáo sử dụng, trừ khi bạn có sự đồng ý rõ ràng từ bác sĩ. Hầu hết các bác sĩ sẽ không kê toa các loại thuốc xịt này.

Axit Valproic

ược sử dụng cho bệnh động kinh, rối loạn lưỡng cực và đôi khi đau nửa đầu, có thể gây ra các khuyết tật bẩm sinh lớn, như khuyết tật tim hoặc sứt môi, và các vấn đề về rối loạn hành vi và học tập.

Ribavirin

Loại thuốc này được sử dụng để chữa trị các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan C mãn tính. Ribavirin độc hại đến mức “phụ nữ được khuyến cáo đợi 6 tháng sau khi ngừng sử dụng Ribaririn mới nên bắt đầu lên kế hoạch thụ thai”.

Bismuth subsalicylate, hay Pepto Bismol

Chưa được chính thức tuyên bố gây nguy hiểm cho phụ nữ mang bầu, dù một vài nghiên cứu cho thất việc sử dụng loại thuốc này trong thời gian dài có thể gây hại. Theo Healthline, việc sử dụng loại thuốc này trong giai đoạn cuối của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết trong quá trình sinh nở.

Thuốc kháng sinh

Thước kháng sinh rất hiệu quả khi sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu bác sĩ kê toa cho bạn một loại thuốc kháng sinh trong thai kỳ thì nói chung là do nhiễm trùng mà bạn mắc phải nguy hiểm hơn bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào của việc dùng thuốc. Trên thực tế, thuốc kháng sinh như penicillin thường được kê toa trong thời gian mang thai để điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Đa số các loại thuốc này đều an toàn cho mẹ và bé nhưng vẫn có rất nhiều ngoại lệ. Thuốc kháng sinh erythromycin estolate có thể ảnh hưởng đến chức năng gan của phụ nữ mang thai. Một nhóm thuốc mới gọi là fluôquinolones có thể gây hại cho xương và sụn đang phát triển của bé. Tetracycline, một kháng sinh thông thường khác, cũng không được dùng trong thai kỳ.

Đôi khi, kháng sinh cũng có thể được sử dụng quá mức khi không cần thiết, dẫn đến nhiễm trùng kháng kháng sinh. Một số điều cần nhớ:

  • Thuốc kháng sinh chỉ điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, có nghĩa là chúng không có tác dụng đối với nhiễm virut (như cảm lạnh và cúm).
  • Nhiều loại kháng sinh an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Vì vậy, nếu bác sĩ của bạn kê toa thuốc kháng sinh cho nhiễm khuẩn tiết niệu, đừng ngần ngại dùng nó.
  • Mỗi nhiễm trùng cần một loại kháng sinh cụ thể và liều lượng thích hợp. Điều đó có nghĩa là bạn phải tuân thủ uống thuốc đúng liều lượng như trong đơn thuốc.
  • Uống thuốc kháng sinh chính xác như bác sĩ kê toa, điều này giúp đảm bảo kháng sinh có thể có tác dụng tốt nhất và không bị kháng thuốc lần sau. Không bao giờ bỏ qua một liều hoặc kết thúc việc uống thuốc sớm chỉ vì các triệu chứng của bạn bắt đầu giảm. Nên nhớ, các triệu chứng giảm không có nghĩa là vi khuẩn đã chết hết.
  • Chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ mà bạn khám thai thường xuyên.
  • Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc bổ sung chế phẩm sinh học để bổ sung các vi khuẩn tốt trong cơ thể của bạn. Cố gắng uống men vi sinh và kháng sinh cách nhau vài giờ, nếu phải dùng kháng sinh.
  • Một loại kháng sinh bạn nhất định nên tránh: tetracycline, thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, nhiễm khuẩn và có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh nhỏ và có thể vôi hóa xương và răng của bé (khiến răng và răng vĩnh viễn có màu xám, làm giảm sự phát triển của một số xương – mặc dù vấn đề về xương dường như trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc).

Một nghiên cứu năm 2017 của Canada đã phát hiện ra rằng một số loại kháng sinh bao gồm azithromycin, clarithromycin và metronidazole có liên quan đến việc tăng tỷ lệ sảy thai, xác nhận nghiên cứu trước đó về những loại thuốc này. Nghiên cứu cũng cho thấy quinolone, tetracycline và sulfonamid đều có liên quan đến khả năng sảy thai cao hơn. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng những căn bệnh mà các bà mẹ mang thai đang được điều trị có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai chứ không phải là thuốc.

Một nghiên cứu Canada năm 2017 tiếp theo bởi cùng một tác giả đã phát hiện ra rằng các kháng sinh bao gồm clindamycin, doxycycline, quinolones, macrolide và phenoxymethylpenicillin cũng có thể liên quan đến nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn, liên quan đến dị tật nội tạng, nhưng các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng cơ hội là rất nhỏ và cần nhiều nghiên cứu hơn

Làm thế nào để uống thuốc an toàn trong thời kỳ mang thai?

Bạn đã từng nghe nó trước đây, nhưng mình muốn nhắc lại cho bạn nhớ: Không bao giờ dùng bất kỳ loại thuốc, chất bổ sung hoặc thảo dược nào mà không thảo luận với bác sĩ trước. Một số mẹo nữa cần ghi nhớ:

  • Hãy chắc chắn rằng trao đổi với bác sĩ về loại thuốc bạn sắp dùng, tác dụng phụ cũng như nguy cơ tiềm ẩn. Nếu bạn đã từng dị ứng thuốc nào đó, hãy thông báo cho bác sĩ trước khi kê đơn.
  • Nói cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bạn, các bệnh mà bạn đang điều trị: Một số loại thuốc chuyển hóa khác nhau trong thai kỳ, vì vậy hãy chắc chắn kiểm tra với bác sĩ của bạn về việc bạn có cần phải tăng liều hay giảm liều không. Và nếu bạn dùng thuốc để kiểm soát tình trạng mãn tính, bạn có thể cần phải thực hiện các điều chỉnh khác. Ví dụ, nếu bạn dùng một loại thuốc để làm giảm tình trạng ốm nghén, bạn có thể muốn dùng vào ban đêm. Hoặc, nếu bạn phải dùng thuốc trước ăn (vào lúc sáng sớm), hãy nói chuyện với bác sĩ về việc uống thuốc chống buồn nôn trước.
  • Tối ưu hóa: Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những cách bạn có thể tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho cả bạn và em bé. Ví dụ, bạn có thể muốn dùng thuốc cảm lạnh vào ban đêm để giúp bạn ngủ tốt hơn. Hoặc bạn có thể dùng liều thấp hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn mà vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn. Hãy hỏi bác sĩ về tất cả các chi tiết. Tìm hiểu tần suất dùng thuốc, cách bảo quản đúng và bạn nên tránh bất kỳ loại thuốc, thực phẩm hoặc đồ uống nào khác.
  • Biết kiểm tra thuốc trước khi sử dụng: Kiểm tra thuốc và đọc nhãn hiệu để đảm bảo những gì bạn uống đúng theo bác sĩ đã kê đơn. Kiểm tra tình trạng của thuốc, ngày tháng sử dụng, bao bì, có bị hỏng không… trước khi uống.
  • Kiểm tra lại tất cả các nhãn: Nhiều loại thuốc theo toa có chứa nhiều hoạt chất, một trong số đó có thể ổn cho thai kỳ hoặc có hại cho em bé. Ngoài ra, nếu bạn cần dùng nhiều hơn một thuốc để điều trị nhiều triệu chứng, bạn có thể vô tình nhận được một liều gấp đôi của cùng một thành phần (ví dụ như acetaminophen). Do đó, hãy đọc kỹ thành phần của thuốc, liên hệ với bác sĩ nếu thấy bất thường.
  • Đọc tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc: Điều này giúp bạn hiểu cách thức hoạt động của thuốc cũng nhú bất kỳ rủi ro và tác dụng phụ nào có thể xảy ra. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về bất kỳ tác dụng phụ tiềm năng để có phương án tốt nhất cho bạn.
  • Làm theo đúng hướng dẫn toa thuốc bác sĩ kê: Đừng thay đổi liều, bỏ qua liều hoặc ngừng dùng thuốc trước khi nói chuyện với bác sĩ.
  • Đừng chia sẻ: Không bao giờ sử dụng các loại thuốc không phải của bạn được bác sĩ kê hoặc chia sẻ đơn thuốc của bạn cho người khác. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, đặc biệt là lúc mang thai, vì thế toa thuốc đúng với người này nhưng chưa chắc đã ổn với người khác. Và bạn không hề biết nguy hại tiềm ẩn khi sử dụng thuốc mà chưa qua bác sĩ khám.
  • Nếu bạn có thắc mắc về cách thức hoặc thời điểm dùng thuốc, hãy luôn nói chuyện với bác sĩ trước..

Nghe có vẻ phức tạp đúng không nào? Để tìm hiểu cái gì an toàn hay không an toàn cho bạn và thai nhi thật khó. May mắn thay, bạn không phải đi một mình, mình sẽ tiếp tục hỗ trợ bạn đây!

Hiểu đúng về nhãn thuốc

Hệ thống ghi nhãn thuốc theo toa của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cung cấp bản tóm tắt chi tiết về tác dụng của thuốc đối với thai kỳ, cho con bú và “khả năng sinh sản” (tức phụ nữ có thể mang thai hoặc đang cố gắng thụ thai). Nhãn thuốc này giúp các bà mẹ tương lai và các bà mẹ cho con bú hiểu rõ hơn về tác dụng của một loại thuốc họ đang dùng sau khi được kê đơn.

  • Nhãn có kèm “mang thai” chỉ ra khả năng và mức độ nghiêm trọng của các bất thường phát triển do tiếp xúc với thuốc; là loại thuốc cần kê đơn hay không; tác dụng phụ; dữ liệu thử nghiệm lâm sàng; hướng dẫn sử dụng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở; và phương pháp điều trị thay thế nếu có.
  • Nhãn có kèm “cho con bú ” sẽ chỉ ra bao nhiêu thuốc được tiết ra trong sữa mẹ; ước tính về việc trẻ sơ sinh sẽ tiêu thụ bao nhiêu thuốc khi mẹ dùng thuốc; dữ liệu về ảnh hưởng của việc tiếp xúc với thuốc của em bé; làm thế nào để giảm thiểu phơi nhiễm của trẻ sơ sinh.
  • Nhãn có kèm “khả năng sinh sản” sẽ giải thích bất kỳ tác dụng nào mà thuốc có thể có trong việc ngừa thai, thử thai và vô sinh trong và sau khi bạn dùng thuốc, và các biện pháp phòng ngừa bổ sung cần thực hiện.

Nói chung, tốt nhất là nên tránh việc mẹ bầu sử dụng thuốc có thành phần không cần thiết trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong tam cá nguyệt thứ nhất, các cơ quan của bào thai chưa có hình dạng đầy đủ và đang phát triển nhanh chóng, điều này khiến trẻ dễ bị tổn thương trước nguy cơ tiềm ẩn của các loại thuốc. Để đảm bảo thời kỳ mang bầu thật khỏe mạnh và vui vẻ, mẹ bầu nên chú ý đến khẩu phần ăn hàng ngày, cố gắng ngủ nghỉ đầy đủ và thường xuyên vận động. Ngoài ra, bạn có thể tập yoga nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe.

Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc để điều trị, bạn nên đến bác sĩ khám để kê thuốc và tư vấn đầy đủ. Bác sĩ biết cách cân nhắc giữa lợi ích sức khỏe của mẹ và mức ảnh hưởng đến bào thai. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kê toa an toàn cho thai nhi hoặc hướng dẫn một số biện pháp khác thay thế.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment