Viêm khớp là viêm một hoặc nhiều khớp của bạn. Nó có thể gây đau và cứng ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, và thường gặp ở các khớp nhỏ của bàn chân và cổ chân.
Bạn có biết có hơn 100 dạng viêm khớp, nhiều trong số đó ảnh hưởng đến bàn chân và cổ chân. Tất cả các loại có thể gây khó khăn cho việc đi bộ và thực hiện các hoạt động bạn thích.
Mặc dù không có cách chữa viêm khớp, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị có sẵn để làm chậm tiến triển của bệnh và làm giảm các triệu chứng. Với phương pháp điều trị thích hợp, nhiều người bị viêm khớp có thể kiểm soát cơn đau, duy trì hoạt động và sống một cuộc sống trọn vẹn. Hãy đọc bài viết dưới đây để biết những thông tin hữu ích về viêm khớp bàn chân và cổ chân.
Mục lục
Cấu tạo giải phẫu
Trong khi đứng, đi và chạy, bàn chân và cổ chân cung cấp cho chúng ta một sự hỗ trợ, giảm xóc, giữ thăng bằng và một số chức năng khác cần thiết cho chuyển động. Ba xương tạo nên khớp cổ chân, chủ yếu cho phép di chuyển lên và xuống. Có 28 xương ở bàn chân, và hơn 30 khớp cho phép thực hiện một loạt các chuyển động.
Trong các khớp này, hai đầu xương được bọc bởi sụn khớp có bề mặt láng mịn giúp xương chuyển động qua lại nhau trong khi vận động. Các khớp được bao quanh bởi một lớp lót mỏng gọi là synovium. Synovium tạo ra một chất lỏng bôi trơn sụn và giảm ma sát.
Các dải mô cứng, được gọi là dây chằng, kết nối xương và giữ các khớp đúng vị trí. Cơ bắp và gân cũng hỗ trợ các khớp và cung cấp sức mạnh để làm cho chúng di chuyển.
Viêm khớp bàn chân, cổ chân là gì?
Các loại viêm khớp chủ yếu ảnh hưởng đến bàn chân và cổ chân là viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp sau chấn thương.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp, còn được gọi là viêm khớp thoái hóa hoặc “hao mòn”, là một vấn đề phổ biến đối với nhiều người sau khi họ đến tuổi trung niên, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi.
Trong viêm xương khớp, sụn ở các khớp dần bị bào mòn theo thời gian. Khi sụn mòn đi, nó trở nên thô ráp và sần sùi, mất tác dụng bảo vệ hai đầu xương. Điều này có thể dẫn đến xương cọ xát vào xương khi di chuyển. Để bù đắp cho sụn bị mất, xương bị tổn thương có thể bắt đầu phát triển ra bên ngoài và hình thành các gai xương.
Viêm xương khớp phát triển chậm, gây đau và cứng khớp tăng dần theo thời gian
Ngoài tuổi tác, các yếu tố nguy cơ khác của viêm xương khớp bao gồm béo phì và tiền sử gia đình mắc bệnh.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp trên toàn cơ thể, và thường bắt đầu ở bàn chân và cổ chân. Nó có tính chất đối xứng, có nghĩa là nó thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ và nhỡ ở cả hai bên của cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công các mô của chính nó. Trong viêm khớp dạng thấp, các tế bào miễn dịch tấn công synovium bao phủ khớp, khiến nó sưng lên. Theo thời gian, synovium xâm lấn và làm hỏng xương và sụn, cũng như dây chằng và gân, và có thể gây biến dạng khớp nghiêm trọng và gây ra tàn tật.
Nguyên nhân chính xác của viêm khớp dạng thấp chưa được biết đến. Mặc dù nó không phải là một bệnh di truyền, các nhà nghiên cứu tin rằng một số người có gen khiến họ dễ mắc bệnh hơn. Thường có một “tác nhân”, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc yếu tố môi trường, kích hoạt các gen này. Khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân này, hệ thống miễn dịch bắt đầu sản xuất các chất tấn công khớp.
Viêm khớp sau chấn thương
Viêm khớp sau chấn thương có thể phát triển sau một chấn thương ở bàn chân hoặc cổ chân ví dụ như trật khớp và gãy xương. Đặc biệt tổn thương bề mặt khớp là những chấn thương phổ biến nhất dẫn đến viêm khớp sau chấn thương. Giống như viêm xương khớp, viêm khớp sau chấn thương làm cho sụn giữa các khớp bị mòn. Nó có thể phát triển nhiều năm sau chấn thương ban đầu.
Khớp bị chấn thương có nguy cơ bị viêm khớp gấp 7 lần khớp bình thường, ngay cả khi chấn thương được điều trị đúng cách. Trên thực tế, sau một chấn thương, cơ thể bạn thực sự có thể tiết ra các hormone kích thích sự chết của các tế bào sụn.
Xem thêm: 7 nguyên nhân viêm khớp bạn cần biết
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm khớp khác nhau tùy thuộc vào khớp nào bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, khớp bị viêm sẽ sưng và đau. Nói chung, đau sẽ tăng dần theo theo thời gian mặc dù cũng có trường hợp đau xuất hiện một cách đột ngột. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau khi vận động
- Đau tăng lên khi hoạt động mạnh
- Đau khi tác động lực vào khớp
- Khớp sưng, nóng, đỏ
- Tăng đau và sưng vào buổi sáng, hoặc sau khi ngồi hoặc nghỉ ngơi
- Khó đi lại do bất kỳ triệu chứng nào ở trên
Xem thêm: Triệu chứng viêm khớp: Những dấu hiệu bạn cần biết
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và tiền sử mắc bệnh của bạn. Sau đó tiến hành khám lâm sàng và có thể yêu cầu các xét nghiệm máu, dịch khớp và chẩn đoán hình ảnh.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp cổ chân và bàn chân và có thể hỏi về tiền sử mắc bệnh cũng như các loại thuốc bạn đang và đã sử dụng và các triệu chứng liên quan như:
- Bạn thấy đau khi nào?
- Đau ở vị trí nào? Nó xảy ra ở một chân hay cả hai chân?
- Đau liên tục hay thành cơn?
- Đau nhiều hơn vào buổi sáng hay buổi tối? Có đau hơn khi đi bộ hoặc chạy không?
- Bạn đã từng bị chấn thương ở chân hoặc cổ chân trước đây không? Nếu có thì bạn đã được điều trị như thế nào?
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra đế giày của bạn để xác định xem có bất kỳ hao mòn bất thường không để chắc chắn rằng đế giày cung cấp đầy đủ hỗ trợ cho phần bàn chân và cổ chân.
Phân tích dáng đi
Trong quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ quan sát chặt chẽ dáng đi của bạn. Đau và cứng khớp sẽ thay đổi cách bạn đi bộ. Ví dụ, dáng đi khập khiễng có thể nói với bác sĩ rất nhiều về mức độ nghiêm trọng và vị trí của bệnh viêm khớp.
Trong quá trình phân tích dáng đi, bác sĩ sẽ đánh giá sự sắp xếp các xương ở bàn chân và cổ chân khi bạn đi bộ, đo sải chân và kiểm tra sức mạnh của khớp.
Chẩn đoán hình ảnh
X-quang
Phương pháp này không thu được hình ảnh của sụn khớp nhưng mất sụn được thấy thông qua thu hẹp khoảng cách giữa 2 đầu xương trong khớp. X-quang cũng có thể cho thấy sự thay đổi của xương, các gai xương xung quanh khớp. Một số người có thể có triệu chứng viêm xương khớp trên phim chụp X-quang trước khi họ gặp bất kỳ triệu chứng nào.
X-quang khi chịu sức nặng (Weight-bearing x-rays)
Được thực hiện trong khi bạn đứng. Chúng là xét nghiệm bổ sung có giá trị nhất trong chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của viêm khớp và bất kỳ biến dạng khớp nào liên quan đến viêm khớp. Trong trường hợp viêm khớp, nếu chụp x-quang không phải ở tư thế đứng, rất khó để đánh giá mức độ viêm khớp hiện tại, vị trí viêm trong khớp và mức độ biến dạng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm, bao gồm cả sụn khớp. MRI thường không cần thiết để chẩn đoán viêm xương khớp nhưng có thể giúp cung cấp thêm thông tin trong các trường hợp phức tạp.
Xét nghiệm
Phân tích máu hoặc dịch khớp của bạn có thể giúp xác nhận chẩn đoán.
Xét nghiệm máu
Mặc dù không có xét nghiệm máu đặc hiệu cho cho viêm xương khớp, nhưng một số xét nghiệm có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
Phân tích dịch khớp
Bác sĩ có thể sử dụng kim để hút chất lỏng ra khỏi khớp bị ảnh hưởng. Kiểm tra và kiểm tra chất lỏng từ khớp của bạn có thể xác định xem có bị viêm hay không và liệu cơn đau của bạn có phải do bệnh gút hoặc nhiễm trùng hay không.
Xem thêm: Viêm khớp háng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và biến chứng
Điều trị
Mặc dù không có cách chữa viêm xương khớp, nhưng có là một số lựa chọn điều trị sẽ giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động.
Điều trị bảo tồn
Cũng như các tình trạng viêm khớp khác, điều trị ban đầu cho viêm khớp bàn chân và cổ chân là điều trị bảo tồn tức là điều trị không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể đưa ra một loạt các biện pháp điều trị khác nhau như:
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của bạn có thể giúp giảm đau do viêm khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Những thay đổi này bao gồm:
- Giảm thiểu các hoạt động làm nặng thêm tình trạng.
- Chuyển từ các hoạt động nhịp độ cao (như chạy bộ hoặc tennis) sang các hoạt động có nhịp độ thấp hơn (như bơi lội hoặc đi xe đạp) sẽ giảm bớt căng thẳng cho khớp bàn chân và cổ chân của bạn.
- Giảm cân: để giúp giảm áp lực cho khớp, làm giảm đau và cải thiện chức năng khớp
- Nói chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng về những biện pháp lành mạnh để giảm cân. Hầu hết mọi người kết hợp những thay đổi trong chế độ ăn uống với tăng cường tập thể dục.
Vật lý trị liệu
Các bài tập cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt, cũng như tăng cường cơ bắp ở bàn chân và cổ chân của bạn và giảm đau. Bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý có thể giúp bạn tạo ra một chương trình luyện tập cá nhân đáp ứng nhu cầu và lối sống của bạn.
Mặc dù vật lý trị liệu thường giúp giảm căng thẳng cho khớp, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể làm đau khớp tăng lên. Điều này xảy ra khi chuyển động tạo ra ma sát ngày càng tăng giữa các khớp. Nếu cơn đau khớp của bạn trở nên trầm trọng hơn bằng vật lý trị liệu, bác sĩ sẽ ngừng hình thức điều trị này.
Thiết bị hỗ trợ
Sử dụng gậy hoặc nẹp chỉnh hình cổ – bàn chân (AFO) – có thể giúp cải thiện khả năng vận động. Ngoài ra, mang giày chèn (orthotics) hoặc giày tùy chỉnh có đế cứng và đế rocker có thể giúp giảm thiểu áp lực lên bàn chân và giảm đau. Ngoài ra, nếu có biến dạng, một miếng chèn giày có thể nghiêng chân mắt cá chân thẳng trở lại, tạo ra ít đau ở khớp.
Thuốc
Nếu cơn đau của bạn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn, hoặc không thuyên giảm bằng các phương pháp không phẫu thuật khác, bác sĩ có thể kê thuốc vào phác đồ điều trị của bạn.
- Acetaminophen (Tylenol, Paracetamol, Efferalgan) là một loại thuốc giảm đau không cần kê đơn có thể có hiệu quả trong việc giảm đau viêm khớp từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thuốc, thuốc giảm đau không kê đơn có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng. Mỗi lần dùng thuốc cách nhau 4-6 tiếng. Dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo của acetaminophen có thể gây tổn thương gan.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau và giảm viêm. Một số hoạt chất trong nhóm thuốc NSAIDs được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến như aspirin,ibuprofen hay meloxicam. NSAID có thể gây khó chịu cho dạ dày, các vấn đề về tim mạch, chảy máu và tổn thương gan và thận. NSAID tại chỗ có ít tác dụng phụ hơn và cũng có thể giảm đau. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng NSAID không kê đơn nếu bạn có tiền sử loét hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu. Nên uống thuốc sau khi ăn.
- Corticosteroid (còn được gọi là cortisone) là những chất chống viêm mạnh mẽ có thể uống hoặc tiêm vào khớp bị đau, có thể giảm đau và viêm nhưng tác dụng chỉ là tạm thời.
Điều trị phẫu thuật
Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu đau gây ra tàn tật và không thuyên giảm khi điều trị bảo tồn. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại và vị trí của viêm khớp và tác động của bệnh lên khớp của bạn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị nhiều hơn một loại phẫu thuật.
Nội soi làm sạch
Phẫu thuật này có thể hữu ích trong giai đoạn đầu của viêm khớp. Phẫu thuật này giúp làm sạch khớp, loại bỏ mô sụn, mô hoạt dịch bị viêm và gai xương xung quanh khớp.
Trong quá trình nội soi khớp, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ đặt một camera nhỏ, được gọi là máy nội soi khớp vào khớp bàn chân hoặc cổ chân của bạn. Hình ảnh bên trong khớp sẽ được hiển thị lên một màn hình và bác sĩ sẽ nhìn lên màn hình đó để điều khiển các dụng cụ phẫu thuật. Vết mổ nội soi sẽ nhỏ hơn vét mổ mở kiểu truyền thống.
Phẫu thuật nội soi có hiệu quả nhất khi đau là hậu quả của việc sự tiếp xúc giữa các gai xương và viêm khớp chưa gây hẹp khe khớp đáng kể. Nội soi khớp có thể làm cho khớp bị thoái hóa nhanh hơn. Loại bỏ các gai xương có thể làm tăng chuyển động trong khớp, làm cho sụn mòn nhanh hơn.
Phẫu thuật hợp nhất khớp – phẫu thuật cứng khớp (Arthrodesis)
Đây là phương pháp hợp nhất các xương, khớp thành một khớp. Ví dụ hợp nhất khớp cổ chân là một hoạt động để chuyển đổi một khớp đau cứng thành một khớp thậm chí cứng hơn nhưng không đau. Trong thủ tục này, phần sụn bị hư hỏng còn lại được lấy ra từ hai đầu xương và hai xương sau đó được giữ lại với nhau bằng cách sử dụng ốc vít, hoặc đĩa. Theo thời gian, xương hợp nhất hoặc phát triển cùng nhau, giống như hai đầu xương gãy kết hợp lại với nhau khi khi nó lành lại. Mục tiêu của phẫu thuật này là giảm đau bằng cách loại bỏ chuyển động ở khớp.
Arthrodesis thường khá thành công, mặc dù có thể có các biến chứng. Trong một số trường hợp, khớp không hợp nhất với nhau và phương tiện kết hợp xương có thể bị hỏng. Điều này có thể xảy ra nếu bạn dồn trọng lượng lên bàn chân trước khi xương hợp lại làm một. Nếu không thành công, việc làm tiếp theo có thể là đặt mảnh ghép xương ở cổ chân và đặt phương tiện kết hợp xương mới. Tuy nhiên, việc lặp lại này ít có khả năng thành công, vì vậy tốt nhất là tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian phục hồi hoạt động ban đầu.
Một số ít bệnh nhân gặp vấn đề với việc chữa lành vết thương sau phẫu thuật, điều này có thể được giải quyết bằng nẹp cổ bàn chân hoặc một cuộc phẫu thuật bổ sung. Trong một số trường hợp, mất chuyển động ở cổ chân sau khi hợp nhất làm cho các khớp liền kề với khớp được hợp nhất chịu nhiều căng thẳng hơn so với trước khi phẫu thuật. Điều này có thể dẫn đến viêm khớp ở các khớp liền kề nhiều năm sau khi phẫu thuật.
Thay thế toàn bộ khớp cổ chân (arthroplasty)
Bác sĩ sẽ loại bỏ sụn và xương bị hư hỏng, sau đó đặt các bề mặt khớp kim loại hoặc nhựa mới để khôi phục chức năng của khớp.
Mặc dù thay thế toàn bộ khớp cổ chân không phổ biến như thay khớp háng toàn phần hoặc thay khớp gối toàn phần, tuy nhiễn những tiến bộ trong phẫu thuật đã khiến nó trở thành một lựa chọn khả thi cho nhiều người.
Thay thế khớp cổ chân thường được khuyên dùng cho những bệnh nhân bị:
- Viêm khớp cổ chân tiến triển
- Viêm khớp đã phá hủy các bề mặt khớp
- Đau cổ chân làm cản trở các hoạt động hàng ngày
Thay thế khớp cổ chân làm giảm đau do viêm khớp và cung cấp cho bệnh nhân khả năng vận động và di chuyển nhiều hơn so với phẫu thuật hợp nhất khớp. Ngoài ra, có thể di chuyển khớp trước đây có nghĩa là áp lực đặt lên các khớp liền kề cũng được giảm bớt. Điều này làm giảm cơ hội phát triển viêm khớp liền kề.
Giống như các phẫu thuật thay thế khớp, khớp cổ chân được thay có thể bị lỏng hoặc hỏng sau nhiều năm. Nếu sự cố nghiêm trọng, khớp thay thế có thể được đổi mới – quá trình này gọi là phẫu thuật chỉnh sửa.
Phục hồi
Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật giúp giảm đau do viêm khớp và làm cho bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn. Phục hồi hoàn toàn có thể mất từ 4 đến 9 tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng của bệnh nhân trước khi phẫu thuật và mức độ phức tạp của phẫu thuật.
Phẫu thuật bàn chân và cổ chân có thể bị đau. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng những tiến bộ trong kiểm soát cơn đau hiện nay giúp bác sĩ dễ dàng giảm đau và kiểm soát đau hơn. Ngay sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được dùng thuốc giảm đau. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một loại thuốc giảm đau mà bạn có thể dùng trong một thời gian ngắn khi bạn ở nhà.
Bác sĩ có thể bó bột sau khi phẫu thuật để hạn chế chuyển động ở bàn chân và cổ chân và để ngăn chặn sự di lệch. Bạn cần giữ cho chân ở cao hơn mức của tìm trong 1 đến 2 tuần sau khi phẫu thuật để giảm sưng nề.
Sau khi hồi phục, bạn nên tập vật lý trị liệu để giúp lấy lại sức ở bàn chân hoặc cổ chân và để khôi phục phạm vi chuyển động.
Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày của mình sau 3 đến 4 tháng, mặc dù, trong một khoảng thời gian, bạn có thể cần phải mang giày hỗ trợ hoặc nẹp.
Biến chứng
Giống như các loại phẫu thuật, có một số rủi ro và biến chứng có thể xảy ra. Các vấn đề tiềm ẩn sau phẫu thuật vai bao gồm nhiễm trùng, chảy máu quá nhiều, cục máu đông và tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận về các biến chứng có thể xảy ra với bạn trước khi phẫu thuật.