Vitamin C là cái tên khá quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên công dụng của vitamin C không phải ai cũng biết được một cách đầy đủ.
Vitamin C được nhiều người tung hô về khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ và có tác dụng chống lại ung thư. Vậy điều này có đúng không? Đã có các nghiên cứu nào về điều này hay chưa? Sử dụng Vitamin C như thế nào và tác dụng phụ khi sử dụng vitamin C là gì?
Bạn hãy đọc bài viết này để hiểu hơn về vitamin C trong điều trị ung thư nhé!
Mục lục
- Vitamin C là gì?
- Vitamin C liều cao được sử dụng như thế nào?
- Vitamin C liều cao giúp điều trị ung thư như thế nào?
- Tác dụng phụ và rủi ro của Vitamin C liều cao là gì?
- Các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của vitamin C
- Đã có nghiên cứu nào về vitamin C liều cao được thực hiện ở người chưa?
- Tương tác của vitamin C liều cao với các thuốc chống ung thư
- Vitamin C liều cao có được FDA phê duyệt sử dụng làm thuốc điều trị ung thư tại Hoa Kỳ không?
- Những điều bạn nên nhớ trong bài viết này
Vitamin C là gì?
Vitamin C, còn được gọi là acid ascorbic hoặc ascorbate, là một vitamin tan trong nước được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả. Chẳng hạn như cam, bưởi, đu đủ, ớt và cải xoăn. Vitamin C là một chất chống oxy hóa và giúp ngăn ngừa thiệt hại cho các tế bào gây ra bởi các gốc tự do. Nó cũng hoạt động với các enzyme đóng vai trò chính trong việc tạo collagen, một loại protein cấu trúc tạo nên mô liên kết và hỗ trợ trong việc chữa lành vết thương. Nó cũng cần thiết cho việc sản xuất các hợp chất khác, chẳng hạn như L-carnitine và dẫn truyền thần kinh.
Vitamin C có rất nhiều tác dụng trong đó phải kể đến như:
Khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ
Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, giúp ngăn ngừa sự tích tụ của các gốc tự do, chúng giúp chống lại các gốc tự do gây bệnh, giảm quá trình oxy hóa và tổn thương tế bào.
Bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả giàu vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Người ta cho rằng vitamin C có khả năng chống lại bệnh ung thư (sẽ được nói tới ở phần sau). Vitamin C liều cao đã được nghiên cứu để điều trị cho bệnh nhân ung thư từ những năm 1970.
Giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Thiếu máu là một tình trạng cơ thể thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược và đau ngực. Mặc dù có nhiều yếu tố có thể gây thiếu máu, nhưng một trong sô những yếu tố phổ biến nhất là thiếu hụt vitamin B12 hoặc sắt.
Vitamin C có thể giúp tăng cường hấp thu sắt do đó ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Trong thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy việc uống vitamin C trong bữa ăn có thể làm tăng sự hấp thu sắt lên tới 67% (xem nghiên cứu tại đây). Do đó, chúng ta cần bổ sung đồng thời cả sắt và vitamin C.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Một trong những lợi ích nổi tiếng nhất của vitamin C là khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch. Trong thực tế, vitamin C chính là lựa chọn đầu tiên để dự phòng trong mùa cúm và mùa lạnh.
Một nghiên cứu được công bố trên tờ Annals of Nutrition & Metabolism cho thấy việc nhận đủ vitamin C có thể giúp giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm trùng đường hô hấp, cũng như cảm lạnh thông thường. Thêm vào đó, vitamin C cũng có thể giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh khác như viêm phổi, sốt rét và tiêu chảy.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Tim được coi là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, tim hoạt động không mệt mỏi để cung cấp cho các tế bào oxy và chất dinh dưỡng.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung 500 mg vitamin C mỗi ngày làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol xấu và chất béo trung tính (xem nghiên cứu tại đây). Tương tự, một nghiên cứu khác từ Đại học Southampton phát hiện ra rằng lượng vitamin C cao hơn làm giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ hoặc bệnh mạch vành (xem nghiên cứu tại đây).
Do vậy, nếu bạn bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin C vào chế độ ăn là bạn đã phần nào ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Làm sáng và đều màu da
Các tín đồ skincare không thể không biết tới công dụng này của vitamin C. Axit ascorbic hay vitamin C là một thành phần phổ biến được tìm thấy trong một loạt các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm khác nhau.
Nhờ có khả năng chống oxy hóa, vitamin C rất tốt cho da thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Vitamin C thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen, chống lão hóa da, chống lại sự tổn thương da do gốc tự do và tia cực tím. Nó còn giúp làm sáng da, ngăn chặn sản xuất melanin để ngăn ngừa các đốm và mảng tối màu trên da.
Giảm nguy cơ Gout
Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây nhiều đau đớn do sự tích tụ acid uric trong khớp lâu dài dẫn tới phá hủy khớp và thường ảnh hưởng nhất đến khớp ngón chân cái.
Một nghiên cứu được công bố trong Archives of Internal Medicine đã theo dõi gần 47.000 nam giới trong khoảng thời gian 20 năm và nhận thấy rằng ai bổ sung nhiều vitamin C nhiều hơn thì người đó có nguy cơ bị gout thấp hơn.
Một đánh giá trong năm 2011 cũng có những phát hiện tương tự, việc bổ sung vitamin C có thể làm giảm đáng kể nồng độ acid uric trong máu, điều này có thể giúp giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout (Xem thêm tại đây)
Vitamin C liều cao được sử dụng như thế nào?
Vitamin C liều cao có thể được cung cấp bằng cách truyền tĩnh mạch (IV) (qua tĩnh mạch vào máu) hoặc bằng đường uống (uống). Khi được truyền tĩnh mạch, vitamin C có thể đạt đến mức cao hơn nhiều trong máu so với khi uống cùng một lượng.
Vitamin C liều cao giúp điều trị ung thư như thế nào?
Vitamin C liều cao đã được nghiên cứu để điều trị cho bệnh nhân ung thư từ những năm 1970. Một bác sĩ phẫu thuật người Scotland tên Ewan Cameron đã làm việc với nhà hóa học từng đoạt giải Nobel – Linus Pauling để nghiên cứu những lợi ích có thể có của liệu pháp vitamin C trong các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ung thư vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.
Các khảo sát của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại các hội nghị CAM Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng vitamin C liều cao thường được dùng cho bệnh nhân để điều trị nhiễm trùng, mệt mỏi và ung thư, bao gồm cả ung thư vú.
Hơn 50 năm trước, một nghiên cứu cho rằng ung thư là căn bệnh của sự thay đổi mô liên kết do thiếu vitamin C. Vào những năm 1970, người ta đã đề xuất rằng axit ascorbic liều cao có thể giúp tăng cường khả năng chống lại bệnh tật hoặc nhiễm trùng và có thể điều trị ung thư.
Tác dụng phụ và rủi ro của Vitamin C liều cao là gì?
Axit ascorbic liều cao tiêm tĩnh mạch đã gây ra rất ít tác dụng phụ trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, vitamin C liều cao có thể gây hại ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhất định.
Ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn chức năng thận, suy thận đã được báo cáo sau khi điều trị bằng axit ascobic. Bệnh nhân có nguy cơ phát triển sỏi thận không nên điều trị bằng vitamin C liều cao.
Các báo cáo cho thấy những bệnh nhân mắc chứng rối loạn di truyền có tên là thiếu G-6-PD không nên dùng vitamin C liều cao, do nguy cơ tan máu (tình trạng hồng cầu bị phá hủy).
Vì vitamin C có thể làm cho sắt dễ dàng được cơ thể hấp thụ và sử dụng hơn, nên có thể sử dụng vitamin liều cao cho bệnh nhân mắc bệnh hemochromatosis (một tình trạng cơ thể hấp thụ và dự trữ nhiều chất sắt hơn mức cần thiết).
Các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của vitamin C
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm
Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được thực hiện để tìm hiểu vitamin C liều cao có thể gây chết các tế bào ung thư như thế nào. Tác dụng chống ung thư của vitamin C trong các loại tế bào ung thư khác nhau liên quan đến phản ứng hóa học tạo ra hydro peroxide, có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra những điều sau đây:
- Điều trị bằng vitamin C liều cao làm chậm sự phát triển và lan rộng của ung thư tuyến tiền liệt, tuyến tụy, gan, đại tràng, u trung biểu mô ác tính, u nguyên bào thần kinh và các loại tế bào ung thư khác.
- Kết hợp vitamin C liều cao với một số loại hóa trị liệu có thể hiệu quả hơn so với hóa trị đơn thuần:
- Axit ascoricic với asen trioxide có thể hiệu quả hơn trong các tế bào ung thư buồng trứng.
- Axit ascoricic với gemcitabine có thể hiệu quả hơn trong các tế bào ung thư tuyến tụy.
- Axit ascoricic với gemcitabine và epigallocatechin-3-gallate (EGCG) có thể hiệu quả hơn trong các tế bào ung thư trung biểu mô ác tính.
- Một nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng việc kết hợp vitamin C liều cao với xạ trị đã giết chết nhiều tế bào u nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma) hơn so với xạ trị đơn thuần.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm kết hợp vitamin C với liệu pháp chống ung thư đều cho thấy lợi ích. Kết hợp axit dehydroascorbic, một dạng vitamin C đặc biệt, với hóa trị liệu làm cho nó kém hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt một số loại tế bào ung thư.
Nghiên cứu trên động vật
Các nghiên cứu về vitamin C liều cao đã được thực hiện trên các mô hình động vật. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C giúp tiêu diệt nhiều tế bào ung thư hơn:
- Vitamin C liều cao ngăn chặn sự phát triển khối u trong các mô hình động vật bị ung thư tuyến tụy, gan, tuyến tiền liệt, sarcoma, buồng trứng và ung thư trung biểu mô ác tính.
- Vitamin C liều cao kết hợp với hóa trị liệu trong mô hình chuột bị ung thư tuyến tụy cho thấy việc điều trị kết hợp thu nhỏ khối u nhiều hơn so với điều trị bằng hóa trị đơn thuần.
- Một nghiên cứu khác cho thấy vitamin C làm tăng hiệu quả của liệu pháp ánh sáng trong điều trị những con chuột được tiêm tế bào ung thư vú.
- Một nghiên cứu trên mô hình chuột ung thư buồng trứng cho thấy rằng việc kết hợp vitamin C liều cao tiêm tĩnh mạch với thuốc chống ung thư carboplatin và paclitaxel giúp thuốc hiệu quả hơn trong điều trị ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác trên động vật đã chỉ ra rằng vitamin C tương tác với tác dụng chống ung thư của một số loại thuốc, bao gồm:
- Mô hình chuột có u lympho người và đa u tủy được điều trị bằng sự kết hợp của vitamin C và hóa trị liệu hoặc thuốc bortezomib cho thấy sự phát triển khối u nhiều hơn so với những con chuột được điều trị bằng bortezomib đơn thuần.
Đã có nghiên cứu nào về vitamin C liều cao được thực hiện ở người chưa?
Một số nghiên cứu về vitamin C liều cao được cung cấp một mình hoặc kết hợp với các thuốc khác ở bệnh nhân ung thư bao gồm:
Nghiên cứu về sử dụng vitamin C đơn thuần
Vitamin C tiêm tĩnh mạch được nghiên cứu ở những bệnh nhân ung thư vú được điều trị bằng hóa trị liệu bổ trợ và xạ trị. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân sử dụng vitamin C đường tiêm có chất lượng cuộc sống tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn so với những người không dùng.
Một nghiên cứu về vitamin C liều cao đường tiêm và đường uống đã được thực hiện ở những bệnh nhân ung thư không thể chữa khỏi. Vitamin C đã được chứng minh là một liệu pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân này, bao gồm các chức năng thể chất, tinh thần và cảm xúc, các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn và nôn, đau và mất cảm giác ngon miệng.
Vitamin C đã được chứng minh là an toàn khi dùng cho những người tình nguyện khỏe mạnh và bệnh nhân ung thư với liều tới 1,5 g/kg, ở những bệnh nhân không bị sỏi thận, các bệnh thận khác hoặc thiếu G6PD. Các nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ Vitamin C trong máu cao hơn khi dùng đường tiêm so với khi uống và kéo dài hơn 4 giờ.
Các nghiên cứu về vitamin C đường tiêm kết hợp với các loại thuốc khác
Các nghiên cứu về vitamin C đường tiêm kết hợp với các loại thuốc khác đã cho thấy kết quả hỗn hợp.
Trong một nghiên cứu nhỏ trên 14 bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển, vitamin C đường tiêm đã được cung cấp cùng với hóa trị liệu và liệu pháp nhắm mục tiêu (erlotinib). Năm bệnh nhân không hoàn thành điều trị vì khối u tiếp tục phát triển trong quá trình điều trị. Chín bệnh nhân hoàn thành điều trị có tình trạng bệnh ổn định trên phim chụp. Bệnh nhân có rất ít tác dụng phụ từ việc điều trị vitamin C.
Trong một nghiên cứu nhỏ khác trên 9 bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển, bệnh nhân được hóa trị liệu mỗi tuần một lần trong 3 tuần cùng với vitamin C tiêm tĩnh mạch 2 lần một tuần trong 4 tuần trong mỗi chu kỳ điều trị. Bệnh không tiến triển trong trung bình 6 tháng ở những bệnh nhân này. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo khi điều trị kết hợp.
Trong một nghiên cứu năm 2014 trên 27 bệnh nhân ung thư buồng trứng tiến triển, các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp hóa trị được so sánh với các bệnh nhân sử dụng hóa trị kết hợp với tiêm vitamin C tĩnh mạch trong quá trình hóa trị và 6 tháng sau khi hóa trị kết thúc. Bệnh nhân dùng vitamin C có ít tác dụng phụ của hóa trị hơn.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn hoặc u ác tính di căn được điều trị bằng vitamin C tiêm tĩnh mạch kết hợp với các loại thuốc khác. Kết quả cho thấy điều trị trên không có tác dụng chống ung thư, khối u tiếp tục phát triển trong quá trình điều trị và bệnh nhân có tác dụng phụ nghiêm trọng. Những nghiên cứu này không có nhóm so sánh, vì vậy không rõ vitamin C tiêm tĩnh mạch ảnh hưởng đến tác dụng phụ đến mức nào.
Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ hoặc u nghuyên bào thần kinh đêm đa dạng (glioblastoma) trong hai thử nghiệm bệnh nhân đã được điều trị bằng các biện pháp tiêu chuẩn kết hợp với vitamin C tiêm tĩnh mạch. Bệnh nhân sống sót tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn so với các nhóm đối chứng.
Một số nghiên cứu trên người về vitamin C liều cao ở bệnh nhân ung thư đã cho thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện, cũng như cải thiện các chức năng về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn và nôn, đau và mất cảm giác ngon miệng cũng giảm đáng kể.
Nhiều nghiên cứu về việc kết hợp vitamin C liều cao tiêm tĩnh mạch với các loại thuốc khác đang được thực hiện.
Tương tác của vitamin C liều cao với các thuốc chống ung thư
Tương tác thuốc là sự thay đổi về cách thức hoạt động của thuốc trong cơ thể khi dùng chung với một số loại thuốc khác. Khi vitamin C liều cao được kết hợp với một số loại thuốc chống ung thư, thuốc chống ung thư có thể không hoạt động tốt. Cho đến nay, những tác dụng này chỉ được thấy trong một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và động vật.
Vitamin C liều cao có được FDA phê duyệt sử dụng làm thuốc điều trị ung thư tại Hoa Kỳ không?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã không chấp thuận sử dụng vitamin C liều cao để điều trị ung thư. FDA không chấp thuận thực phẩm chức năng là an toàn hoặc hiệu quả trước khi chúng được bán. Công ty sản xuất các loại thực phẩm chức năng có trách nhiệm đảm bảo chúng an toàn và các tuyên bố trên nhãn là đúng và không gây hiểu lầm cho công chúng. Quy trình sản xuất thực phẩm chức năng không được quy định, vì vậy tất cả các lô và nhãn hiệu vitamin C liều cao có thể không giống nhau.
Những điều bạn nên nhớ trong bài viết này
Vitamin C có rất nhiều tác dụng quan trọng đối với cơ thể con người, trong đó khả năng chống oxy hóa của vitamin C được coi là có thể chống lại bệnh ung thư. Quan tâm đến việc sử dụng vitamin C liều cao để điều trị ung thư bắt đầu từ những năm 1970 khi phát hiện ra rằng một số tính chất của vitamin có thể giúp nó gây độc cho tế bào ung thư. Các nghiên cứu ban đầu ở người có kết quả đầy hứa hẹn, nhưng những nghiên cứu này sau đó đã được tìm thấy là thiếu sót.
Vẫn chưa có bằng chứng cho thấy sử dụng vitamin C một mình có thể chữa ung thư, nhưng các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu liệu nó có thể tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư khác như hóa trị và xạ trị không.
Hiện chưa có thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát và được thực hiện tốt cho thấy tác dụng đáng kể của vitamin C đối với bệnh ung thư. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy nó giúp giảm nhẹ tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư khi điều trị chuẩn được kết hợp với vitamin C liều cao tiêm tĩnh mạch. Cho đến khi các thử nghiệm lâm sàng được hoàn thành, vẫn còn sớm để xác định vai trò của vitamin C tiêm tĩnh mạch trong điều trị ung thư.