Mang thai

Chóng mặt khi mang thai: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Khi mang thai, hormone progesterone làm tăng lưu lượng máu đến em bé của bạn, dẫn đến huyết áp thấp hơn và giảm lưu lượng máu đến não của bạn, làm cho bạn có cảm giác chóng mặt.

Trong suốt thai kỳ, bạn có thể trải qua cảm giác mất phương hướng không ổn định hoặc chóng mặt, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy như thể bạn sắp ngã hoặc ngất xỉu. Nhưng đừng lo lắng, đó là một triệu chứng bình thường và khá phổ biến của thai kỳ mà phần lớn bạn có thể tránh bằng cách thực hiện một vài phương pháp trong bài viết dưới đây.

Khi nào thì chóng mặt trong thai kỳ bắt đầu?

chóng mặt khi mang thai

Nhiều phụ nữ khi mang thai bị chóng mặt bắt đầu từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 16 của thai kỳ.

Xem thêm: Tam cá nguyệt thứ 2 và những điều mẹ bầu cần biết

Có phải chóng mặt là một dấu hiệu sớm của thai kỳ?

Chóng mặt thường không phải là một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ, nhưng nó có thể là triệu chứng mang thai sớm nếu bạn có lượng đường trong máu thấp do ốm nghén. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt như một dấu hiệu mang thai trước khi bạn bị ốm nghén, đôi khi có thể xảy ra trong những ngày thụ thai.

Nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai

Đầu thai kỳ, cơ thể bạn đang chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của hai cơ thể thay vì một như trước kia. Chóng mặt có khả năng do một số nguyên nhân sau:

  • Cơ thể bạn chưa tạo ra đủ máu để lấp đầy hệ thống tuần hoàn đang mở rộng nhanh chóng.
  • Bà bầu thường bị chóng mặt do trạng thái tinh thần và sự thay đổi hormone progesterone khiến hệ thống tim mạch và thần kinh liên tục bị điều chỉnh. Nhịp tim của mẹ bầu tăng, tốc độ bơm máu của tim cũng tăng. Tuy nhiên, các mạch máu lại được giãn ra và mở rộng do tác động của hormone nên dẫn đến việc máu trở về tim chậm, gây hạ huyết áp. Đây là nguyên nhân chính của tình trạng chóng mặt khi mang bầu.
  • Tử cung đang phát triển có thể gây áp lực lên các mạch máu của bạn, đặc biệt là khi bạn nằm ngửa.
  • Nếu lượng đường trong máu của bạn giảm hoặc bạn bị mất nước, rất có thể bạn cũng sẽ cảm thấy chóng mặt.
  • Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt: Thiếu máu khi mang thai làm cho lượng ôxy tới não và các cơ quan khác bị giảm. Ngoài ra, những mẹ bầu làm việc trong môi trường nóng bức cũng dễ ra ra hiện tượng choáng váng do sốc nhiệt. Bên cạnh đó, làm việc quá mức hay hồi hộp lo lắng cũng gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
  • Đổi tư thế quá nhanh: Dễ làm cơ thể choáng váng, chóng mặt. Trường hợp mẹ bầu cảm thấy chóng mặt khi bị ho hay đi tiêu, đi tiểu là do hạ đường huyết dẫn tới chóng mặt.
  • Nhiệt độ quá nóng bức hay việc tiếp xúc môi trường nóng lạnh liên tục dễ gây sốc nhiệt độ, làm choáng váng. Việc tập luyện quá mức hay lo lắng dẫn đến việc thở quá nhanh gây hoa mắt, chóng mặt.

Khi bị chóng mặt, bạn nên làm gì?

Hãy nhớ rằng cho dù chóng mặt “bình thường” như thế nào, bạn không nên bỏ qua nó. Vì vậy, nếu như đang chóng mặt bạn không được lái xe, làm việc hoặc xử lý bất cứ điều gì có khả năng gây hại cho bạn. Nếu bạn cần giúp đỡ, đừng ngại hỏi những người xung quanh.

Để ngăn chặn chóng mặt, hãy nằm xuống ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy lâng lâng để bạn không bị ngã hoặc bất tỉnh, sau đó nâng chân lên để tăng lưu lượng máu đến não. Nếu điều đó là không thể, hãy ngồi xuống và cúi người về phía trước hết mức có thể, đặt đầu của bạn ở giữa đầu gối và thở chậm và sâu. Nếu không có chỗ để nằm hoặc ngồi, hãy quỳ trên một đầu gối và cúi về phía trước như thể bạn đang buộc giày cho đến khi cơn chóng mặt qua đi.

Bạn có thể làm gì để phòng ngừa chóng mặt?

Để khắc phục tình trạng này, ngay từ trước khi mang thai, bạn nên cố gắng bồi dưỡng sức khỏe, nhất là với những người gầy yếu. Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng từ trước khi mang thai 3-6 tháng và trong suốt quá trình mang thai. Đặc biệt, lưu ý bổ sung sắt đầy đủ, phòng trường hợp thiếu máu do thiếu sắt.

Dậy chậm thôi

Đừng bật dậy quá nhanh khi bạn đang ngồi hoặc nằm, vì nó có thể khiến huyết áp của bạn tụt gây chóng mặt.

Ăn uống đều đặn, tránh bỏ bữa

Lưu ý, bạn có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ít nhất 3-4 tiếng nên ăn một lần, không nên để dạ dày trống. Bạn nên ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhất là protein và carbs phức tạp (như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt hoặc mì ống) để duy trì lượng đường huyết ổn định.

Trong những bữa phụ, bạn có thể ăn một hộp nho khô nhỏ, một miếng trái cây hoặc một số bánh quy giòn làm từ lúa mì.

Xem thêm: Bà bầu nên ăn gì? Chế độ ăn dựa theo khoa học cho bà bầu

Uống đủ nước

Hãy chắc chắn rằng bạn đang uống đủ nước, vì chóng mặt cũng có thể là một dấu hiệu mất nước. Đặt mục tiêu cho khoảng 12 đến 13 ly nước mỗi ngày và nhiều hơn thế nữa nếu trời nóng.

Tránh nằm ngửa

Từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, tử cung của người mẹ to lên đáng kể. Việc người mẹ nằm ngửa khi ngủ sẽ tạo ra áp lực cho tĩnh mạch chủ khiến máu lưu thông chậm, huyết áp giảm làm mẹ chóng mặt. Vì vậy, mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái sẽ tránh được tình trạng này.

Ăn mặc phù hợp

Mẹ bầu nên chọn trang phục thoải mái, dễ thở, thấm mồ hôi tốt, tránh những đồ bó sát, chật chội.

Làm việc nhẹ nhàng

Mẹ bầu chỉ nên làm việc nhẹ nhàng, tránh làm việc hay tập luyện quá sức cũng khiến mẹ bầu chóng mặt. Bạn có thể tập yoga, bơi lội hay các bài tập Kegels trong thời kỳ mang thai.

Hít thở không khí trong lành

Ở trong một không gian kín ngột ngạt, quá nóng (như xe buýt, văn phòng hoặc cửa hàng) quá lâu có thể gây ra chóng mặt. Bạn hãy cố gắng đi bộ năm phút bên ngoài sau mỗi giờ làm việc. Điều này cũng có thể giúp giảm các triệu chứng mang thai khác như táo bón và phù chân.

Khi nào chóng mặt khi mang thai thường kết thúc?

Một khi những cơn chóng mặt bắt đầu, chúng  thường có thể kéo dài trong suốt phần còn lại của thai kỳ. Tình trạng này có thể giảm dần sau khi em bé của bạn được sinh ra.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ ngay?

Đôi khi thiếu sắt (thiếu máu) có thể dẫn đến ngất xỉu khi các tế bào máu mang oxy bị cạn kiệt. Vì vậy, nếu bạn thực sự bất tỉnh, hãy gọi bác sĩ của bạn càng sớm càng tốt. Một số phụ nữ có thể tự hỏi liệu chóng mặt là một triệu chứng của sẩy thai. Đừng lo lắng: chứng chóng mặt không phải là dấu hiệu phổ biến của sẩy thai.

Những người khác có thể có câu hỏi về việc chóng mặt có thể là một triệu chứng của tiền sản giật . Nhưng cũng không có lý do gì để lo lắng cả. Cảm thấy ngất xỉu không phải là dấu hiệu phổ biến của tiền sản giật, được đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của huyết áp cao khi mang thai,trong khi chóng mặt thường được gây ra bởi vấn đề ngược lại: huyết áp thấp.

Nếu các biện pháp đơn giản trên không hiệu quả và bạn vẫn tiếp tục thấy choáng váng, chóng mặt kéo dài, thậm chí có kèm theo nhiều triệu chứng khác nữa, thì bạn hãy gọi ngay cho bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời nhé!

Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment