Mang thai

Ốm nghén và buồn nôn khi mang thai: Những điều bà bầu cần biết

Bạn đang mang thai những tháng đầu, bạn cảm thấy trong người có thay đổi chút chút nhưng không hề đáng lo ngại. Cho đến một ngày, bạn thức dậy với một cảm giác kỳ lạ, khó chịu trong bụng dạ. Bạn cảm thấy có thể như say sóng? Cảm giác nôn nao tồi tệ và buồn nôn. Vậy là bạn đang bước vào giai đoạn ốm nghén rồi!

Ốm nghén là một trong những triệu chứng điển hình xuất hiện ở thời kỳ đầu của quá trình mang thai. Trong thực tế, có đến 80% phụ nữ mang thai trải qua quá trình này. Tuy nhiên, cũng có nhiều bà bầu may mắn mang thai suôn sẻ mà chẳng hề bị buồn nôn hay kén ăn. Hãy yên tâm vì đây là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường và không tạo sự khác biệt gì lớn đối với các bà bầu bị nghén khác

Ốm nghén khi mang thai bắt đầu khi nào?

ốm nghén khi mang thai

Có đến 75% phụ nữ có thể gặp triệu chứng ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mặc dù cảm giác buồn nôn, nôn nao trong dạ dày của bạn thường bắt đầu vào buổi sáng, nó có thể đến bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm. Thông thường, các triệu chứng thường bắt đầu từ tuần thứ 6 của thai kỳ. Và vì khứu giác lúc đó rất nhạy bén ở một số phụ nữ mới mang thai, ốm nghén khiến nhiều phụ nữ có ác cảm với một số loại thực phẩm và mùi của chúng.

Với đa số bà bầu thì triệu chứng này sẽ thuyên giảm sau ba tháng đầu. Tuy nhiên, với một số người thì nó lại diễn ra nghiêm trọng và khó kiểm soát. Trường hợp này rất dễ dẫn đến tình trạng mất nước, giảm cân (5% hoặc nhiều hơn), cũng như thiếu hụt dinh dưỡng.

Thông thường, khi mang thai chị em bị ốm nghén sẽ diễn ra xuyên suốt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Một số người có cơ địa “nhạy cảm” sẽ có biểu hiện ốm nghén bắt đầu sớm nhất vào khoảng tuần 4 – 6 khi phôi thai đã ổn định trong buồng tử cung. Một số khác sẽ bắt đầu ốm nghén muộn hơn từ tuần 8 – 12. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bà bầu tiếp tục chiến đấu với tình trạng ốm nghén đến tháng thứ 5, thứ 6, thậm chí là đến khi sinh nở.

Tin tốt là: Mặc dù ốm nghén có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ nhưng nó không gây hại cho em bé của bạn.

Ốm nghén thường gặp ở những đối tượng sau:

  • Những bà bầu mới làm mẹ lần đầu tiên. Những phụ nữ đã từng mang thai ít bị ốm nghén hơn những người mới làm mẹ.
  • Những bà mẹ mang đa thai.
  • Bà bầu dễ bị say tàu xe, say sóng.
  • Những phụ nữ dễ bị mệt mỏi hay kiệt sức trong suốt thai kỳ. Hãy biết nghỉ ngơi khi cần thiết và không nên tạo áp lực cho bản thân.
  • Phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực như tổ chức sự kiện, truyền thông, hay việc nặng như chuyển nhà khi mang bầu thường chịu nhiều áp lực công việc dẫn đến căng thẳng.

Triệu chứng của ốm nghén

  • Nôn mửa, buồn nôn, nôn nao
  • Mất nước, tiểu ít, buồn ngủ, thiếu năng lượng, mệt mỏi
  • Nhức đầu, cảm thấy lơ mơ, chóng mặt
  • Cảm thấy sợ và không thích các loại thịt sống, các loại trái cây chưa chín, rau củ chưa nấu, hoặc các loại thực phẩm nặng mùi.

Nguyên nhân của ốm nghén khi mang bầu là gì?

Không ai biết chắc chắn nguyên nhân của ốm nghén là gì. Có một vài giả thuyết được đưa ra. Nó có thể được kích hoạt bởi tăng nồng độ của hormone thai kỳ hCG (đỉnh điểm vào khoảng thời gian ốm nghén là tồi tệ nhất), hoặc do nồng độ estrogen và progesterone tăng lên, làm giãn các cơ của đường tiêu hóa và làm cho việc tiêu hóa kém hiệu quả, dẫn đến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản tạo cảm giác buồn nôn. Chất này còn làm thức ăn trong dạ dày chậm tiêu hóa hơn bình thường, gây chứng khó tiêu. Không thể lý giải được một số triệu chứng chẳng hạn như khứu giác nhạy bén hơn hoặc cảm thấy vị kim loại mà nhiều phụ nữ gặp phải trong thai kỳ. Bỏ bữa cũng có thể góp phần vào cảm giác trống rỗng và buồn nôn.

Nguyên nhân gây ra ốm nghén:

  • Nồng độ hormone
  • Nhạy cảm
  • Stress
  • Mệt mỏi
  • Tình trạng mang thai lần đầu
  • Di truyền

Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị ốm nghén và tình trạng này cũng khác nhau ở mỗi người. Một số người chỉ thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, một số người khác lại cảm thấy buồn nôn suốt ngày đêm nhưng không bao giờ nôn mửa, những người khác thỉnh thoảng nôn mửa, và những người khác nôn mửa thường xuyên. Có lẽ có một vài lý do cho những biến thể này:

Nồng độ hormone

Nồng độ hormone thai kỳ cao hơn mức trung bình (nhất là khi bà bầu mang đa thai) có thể làm tăng tình trạng ốm nghén; mức độ thấp hơn có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ nó (mặc dù phụ nữ có lượng hormone bình thường cũng có thể gặp ít hoặc không bị ốm nghén).

Nhạy cảm

Buồn nôn và nôn được chỉ huy bởi trung tâm nôn ở não bộ. Một số não bộ có trung tâm này nhạy cảm hơn những não bộ khác, điều đó có nghĩa là chúng có khả năng đáp ứng với các kích thích tố và các tác nhân gây buồn nôn khi mang thai hơn những người khác. Nếu bạn có một dạ dày nhạy cảm (ví dụ như bạn luôn bị say xe hoặc say sóng), bạn có nhiều khả năng bị buồn nôn và nôn nặng hơn khi mang thai. Và nếu bạn không dễ bị buồn nôn? Bạn ít có khả năng ốm nghén hơn những người khác đấy.

Stress

Người ta biết rằng căng thẳng cảm xúc có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các triệu chứng ốm nghén có xu hướng xấu đi khi căng thẳng xảy ra. Điều đó không có nghĩa là ốm nghén nằm trong đầu bạn mà là khi bạn căng thẳng, tình trạng ốm nghén sẽ nặng hơn.

Mệt mỏi

Mệt mỏi về thể chất hoặc tinh thần cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ốm nghén (và ngược lại, ốm nghén nặng có thể làm tăng mệt mỏi).

Tình trạng mang thai lần đầu

Ốm nghén phổ biến hơn và có xu hướng nghiêm trọng hơn trong lần mang thai đầu tiên, điều này có thể do cả hai yếu tố thể chất và cảm xúc có thể liên quan. Về mặt thể chất, cơ thể người mới mang thai ít có sự chuẩn bị cho sự tấn công của hormone và những thay đổi khác mà nó gặp phải so với những người đã mang thai. Về mặt tình cảm, những người mang thai lần đầu tiên có nhiều khả năng phải chịu những lo lắng và sợ hãi có thể làm dạ dày bị kích thích, trong khi phụ nữ trong những lần mang thai tiếp theo có thể bị phân tâm bởi cần chăm sóc trẻ lớn hoặc đã quen với tình trạng này. Điều này không phải là đúng với tất cả nhưng một số phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn trong lần mang thai tiếp theo so với lần đầu tiên của họ.

Di truyền học

Phụ nữ có mẹ bị ốm nghén đã được chứng minh là có nhiều khả năng phát triển tình trạng này.

Bạn có thể làm gì để giảm bớt ốm nghén khi mang thai?

Phải nói rằng, không có cách nào để chấm dứt ngay lập tức tình trạng khó chịu này. Hãy kiên nhẫn vì thai nghén chỉ kéo dài trong vài tháng đầu thai kỳ. Vượt qua được giai đoạn này bạn sẽ thoải mái hơn.Trong khi phương pháp duy nhất để giải quyết vấn đề là chờ đợi thời gian trôi qua, có một số cách để giảm thiểu tình trạng ốm nghén trong lúc này:

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Tránh ăn (hoặc nhìn thấy, hoặc ngửi, hoặc thậm chí nghĩ về) bất kỳ món ăn nào làm bạn có cảm giác nôn nao, buồn nôn (thực phẩm cay và axit có thể cũng như bất cứ thứ gì có mùi thơm mạnh có thể sẽ kích thích bạn). Đừng ép mình phải ăn những thực đơn dinh dưỡng bắt buộc. Hãy lựa chọn món ăn phù hợp và yêu thích trong những thực phẩm được khuyến khích dành cho bà bầu. Rất có thể bạn sẽ tìm thấy một vài loại thực phẩm lành mạnh mà bạn thích ăn, hãy cố gắng ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Thay đổi những món ăn kích thích bạn sang những thực phẩm khác có cùng dinh dưỡng cho đến khi bạn đỡ ốm nghén, chế độ ăn uống sẽ đa dạng hơn bởi bạn ăn có cảm giác ngon miệng hơn

Chỉ chọn thực phẩm ngọt nếu chúng là tất cả những gì bạn có thể dung nạp (nhận vitamin A và protein từ đào và sữa chua vào bữa tối thay vì bông cải xanh và thịt gà). Hoặc chỉ chọn những món mặn nếu bạn cảm thấy ăn chúng tốt hơn những thứ khác (có thể ăn pizza cho bữa sáng thay vì ngũ cốc). Đừng lo lắng quá nhiều về dinh dưỡng không đáp ứng đủ trong thời gian ngắn, sẽ có nhiều thời gian sau này trong thai kỳ của bạn để ăn uống tốt hơn. Và hãy nhớ rằng, không một thực phẩm nào chỉ chứa một chất dinh dưỡng cụ nhất định – vì vậy bạn có thể dễ dàng chọn các loại thực phẩm thay thế nhau.

Xem thêm: Bà bầu nên ăn gì? Chế độ ăn dựa theo khoa học cho bà bầu!

Tránh sử dụng những thực phẩm có hương vị mạnh như cà phê, rượu, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,… Nên ăn những loại thức ăn đơn giản, dễ làm và dễ tiêu hóa. Các loại thực phẩm mát lạnh như sa lát, sữa chua, trái cây hoặc súp lạnh cũng giúp ích cho hệ tiêu hóa của bạn trong thai kỳ. Ngoài ra còn có bánh mì, gạo, mỳ ý, khoai tây, hoặc ngũ cốc ăn kèm sữa ít béo.

Ăn sớm

Ốm nghén không chờ đợi bạn cho đến khi bạn ra khỏi giường, nó có thể tấn công bạn bất cứ lúc nào. Nhưng buồn nôn có nhiều khả năng tấn công khi bạn đang có một cái dạ dày trống rỗng sau một đêm dài giấc. Đó là bởi vì khi bạn không ăn trong một thời gian dài, các axit bên trong bụng trống rỗng của bạn không có gì để tiêu hóa ngoài niêm mạc dạ dày của bạn – điều đó làm tăng sự buồn nôn của bạn.

Để khắc phục điều này, hãy để trên đầu giường vài đồ nhấm nháp như các loại hạt điều, macca, bánh quy giòn và ngũ cốc, khi bạn có thể ăn ngay vào buổi sáng. Uống nhiều nước mỗi sáng thức dậy và nhấm nháp một ít bánh quy sẽ làm giảm lượng axit trong dạ dày của bạn. Một vài viên kẹo ngọt có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu và làm giảm cảm giác buồn nôn.

Để đổi vị, bạn có thể thử những viên kẹo gum vị trái cây.Đó cũng là một ý tưởng tốt để có ăn một chút bất cứ khi nào bạn cảm thấy đói. Nên chia nhỏ khẩu phần ăn và ăn theo nhiều bữa trong ngày. Tránh ăn quá nhiều khi bạn đang đói. Phải mất tới 20 phút để bộ não của bạn nhận biết là dạ dày của bạn đã đầy. Vì vậy bạn nên dừng ăn khi thấy gần no.

Ăn nhẹ trước khi đi ngủ

Vì lý do tương tự, hãy thử ăn một món ăn nhẹ giàu protein và carbs phức tạp (như muffin ngũ cốc nguyên hạt và một ly sữa, hoặc phô mai và hoa quả) ngay trước khi bạn đi ngủ. Điều này sẽ giúp giữ cho bụng của bạn đỡ trống rỗng hơn khi bạn thức dậy.

Ăn thường xuyên

Ý tưởng là giữ cho bụng của bạn luôn được lấp đầy một chút. Ăn sáu bữa nhỏ trong suốt cả ngày thay vì ba bữa lớn bởi khi bụng bạn trống rỗng, bạn có nhiều khả năng cảm thấy buồn nôn. Thêm vào đó, các bữa ăn nhỏ dễ tiêu hóa hơn và ít có khả năng kích hoạt các cơn buồn nôn và ợ nóng, một triệu chứng mang thai hay gặp khác. Và đừng rời khỏi nhà mà không có một bữa ăn nhẹ lành mạnh mà bụng của bạn có thể xử lý (trái cây và các loại hạt khô, thanh granola, ngũ cốc khô, bánh quy ngũ cốc nguyên hạt hoặc khoai tây chiên).

Một chế độ ăn uống khi mang thai giàu protein và carbohydrate phức tạp (như bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt và bơ đậu phộng, hoặc phô mai cứng và bánh quy giòn) không chỉ tốt cho em bé, nó còn có thể giúp giảm buồn nôn. Tránh xa các món ăn nhanh có dầu mỡ và chế biến sẵn, khó tiêu hóa và có thể làm nặng thêm chứng buồn nôn của bạn.

Thay đổi món ăn

Thông thường bạn có thể rất thích loại thực phẩm nào đó, và sau đó ốm nghén khiến bạn muốn tránh xa chúng. Bạn hãy thay thế bằng loại thức phẩm khác. Ví dụ: nếu bạn quá chán những chiếc bánh quy đến nỗi chúng thực sự bắt đầu khiến bạn phát ốm, hãy chuyển sang một loại carb khác.

Uống đủ nước

Ngay từ bây giờ, uống đủ nước quan trọng hơn việc ăn đủ thực phẩm, đặc biệt khi bạn nôn nhiều, bạn sẽ có cảm giác mất nước. Một số phụ nữ thấy rằng uống và ăn cùng lúc sẽ làm bụng ấm ách khó chịu. Nếu bạn gặp điều này, bạn nên uống nước giữa các lần ăn nhẹ, uống cách xa bữa ăn. Hoặc đơn giản là bạn có thể ăn những món có nước như soup hay sinh tố cũng cung cấp nước cho bạn. Nếu bạn thấy sợ uống nước, hãy ăn chất rắn có hàm lượng nước cao, như trái cây và rau, đặc biệt là dưa và trái cây có múi. Cả nước điện giải và nước dừa có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn nôn nhiều.

Hạn chế ngửi

Nhờ khứu giác nhạy cảm hơn trước, phụ nữ mang thai thường thấy nhiều mùi hương đột nhiên gây khó chịu và gây khó chịu cho họ. Vì vậy, hãy tránh xa những mùi gây ra cảm giác buồn nôn – cho dù đó là xúc xích và trứng mà trước đây bạn thích ăn vào cuối tuần hay mùi nước hoa làm bạn đau đầu. Tránh các sản phẩm có mùi nồng như nước hoa, chất khử mùi, nước xịt phòng, tẩy rửa. Hãy mở cửa sổ để phòng thông thoáng và tránh nơi ngột ngạt. Hãy dặn dò chồng và người nhà không chế biến hay mang những mùi này tới gần bạn.

Bổ sung vitamin

Uống vitamin trước khi sinh để bù đắp cho bất kỳ chất dinh dưỡng nào bạn có thể không nhận được, uống vitamin cũng làm bạn cảm thấy khỏe hơn. Hãy thử dùng vitamin với một bữa ăn, dưới dạng bột hoặc nhai, có thể giúp dạ dày cảm thấy dễ chịu hơn. Và đừng lo lắng rằng những vitamin này sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Trên thực tế, uống vitamin thực sự có thể làm giảm các triệu chứng buồn nôn (đặc biệt là nếu bạn dùng một loại vitamin giải phóng chậm).

Nếu các triệu chứng của bạn đặc biệt khó chịu, hãy hỏi bác sĩ về việc chuyển vitamin của bạn thành một loại có nhiều B6 hơn, có thể đặc biệt khó khăn nếu bụng bạn nhạy cảm. Hoặc xem liệu bổ sung vitamin dưới dạng khác như bổ sung magiê dưới dạng xịt magiê, một số loại có thể giúp giảm buồn nôn.

Sử dụng gừng

Gừng là phương thuốc tự nhiên tốt giúp làm giảm tác động của ốm nghén. Uống nước pha gừng hay ăn các thực phẩm từ gừng có tác dụng giảm cảm giác buồn nôn. Gừng đã được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu để giảm buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Vì vậy, dự trữ các thực phẩm làm bằng gừng, chẳng hạn như rượu gừng (kiểm tra nhãn, không phải tất cả đều được làm bằng gừng thật), trà gừng, kẹo gừng, bánh quy gừng, gừng kết tinh hoặc nước gừng. Sử dụng gừng khi bạn nấu ăn (súp cà rốt gừng, bánh nướng xốp gừng) . Ngay cả mùi gừng tươi (cắt một ít và ngửi) có thể dập tắt cơn đau bụng của bạn.

Sử dụng chanh

Một mẹo khác mang lại cảm giác dễ chịu là sử dụng chanh. Nhiều phụ nữ ngửi chanh có cảm giác giảm buồn nôn. Bạn cũng có thể uống nước chanh hoặc ăn các món ăn với chanh để giảm triệu chứng ốm nghén khó chịu.

Bấm huyệt

Nhiều phụ nữ nói rằng phương pháp bấm huyệt có thể giúp họ giảm các triệu chứng ốm nghén. Một điểm huyệt có thể giúp giảm ốm nghén nằm ở giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Massage điểm huyệt này trong khoảng 4 – 5 giây. Bạn có thể thử đeo vòng tay bấm huyệt để tạo áp lực lên điểm huyệt ở vùng cổ tay. Bạn nên hỏi bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp này.

Nghỉ ngơi và xả stress

Cả hai đều có thể giúp giảm thiểu sự buồn nôn. Hãy thử các kỹ thuật giảm căng thẳng cổ điển, như thiền hoặc tập yoga trước khi sinh. Các bài tập Kegels rất tốt cho các bà bầu trước khi sinh.

Chế độ nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc căng thẳng, sắp xếp công việc khoa học, cùng giấc ngủ ngon sẽ giúp bà bầu giảm thiếu tối đa chứng ốm nghén. Bạn có thể chợp mắt từ 10 – 15 phút, hít thở, thả lỏng cơ thể và thư giãn để sức khỏe được phục hồi nhanh chóng.

Đi chậm lại

Vì việc vội vã có xu hướng làm nặng thêm chứng buồn nôn, đừng nhảy ra khỏi giường và lao ra khỏi cửa. Thay vào đó, nán lại trên giường trong vài phút, nhấm nháp một bữa ăn nhẹ bên giường, sau đó tăng từ từ đến một bữa ăn sáng. Có vẻ như không thể nếu bạn có những đứa trẻ khác, nhưng hãy cố gắng thức dậy trước khi chúng làm vậy để bạn có thể chuẩn bị trước khi ra khỏi giường.

Vệ sinh răng miệng

Đánh răng hoặc súc miệng sau khi bị nôn và sau mỗi bữa ăn; điều này có thể dễ dàng hơn một khi bụng của bạn đã ổn định một chút. Bạn nên dùng loại nước súc miệng và kem đánh răng có vị nhẹ hơn nếu như bạn dùng loại bình thường vẫn cảm thấy buồn nôn. Điều này giữ cho răng miệng bạn luôn sạch, tránh viêm nhiễm sau này.

Hỏi bác sĩ về thuốc

Nếu tình trạng ốm nghén của bạn nghiêm trọng hơn, bạn có thể trao đổi bác sĩ về việc dùng thuốc theo toa được FDA chấp thuận để điều trị buồn nôn và nôn khi mang thai – một điều đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Không dùng bất kỳ loại thuốc nào (truyền thống hoặc thảo dược) cho chứng ốm nghén trừ khi được bác sĩ kê toa.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:

  • Tình trạng ói mửa kéo dài suốt cả ngày và bạn không thể ăn uống gì được
  • Nôn ra dịch có màu nâu hoặc nôn ra máu
  • Đau đầu, sút cân, chóng mặt và ít đi tiểu
  • Không thể chịu được những thứ có mùi
  • Tim đập nhanh, mệt mỏi và nhầm lẫn
  • Tiếp tục nôn trầm trọng ở tháng thứ 4
  • Sụt cân từ 2kg trở lên
  • Đau bụng, sốt, đau đầu hoặc sưng ở phía trước cổ.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ đề nghị một số phương pháp điều trị dựa trên tình trạng của bạn.

Có khoảng 1-3% phụ nữ sẽ gặp phải chứng thai nghén nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp bác sĩ phải kê đơn các loại thuốc chống nôn. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng thuốc, đặc biệt trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Mặc dù các loại thuốc này đã qua kiểm tra chặt chẽ nhưng vẫn tiềm ẩn các tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra đối với cả mẹ và thai nhi.

Ốm nghén có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Đừng lo lắng – mặc dù bạn có thể cảm thấy không khỏe, em bé của bạn gần như chắc chắn không bị ảnh hưởng. Trong thời gian ngắn, không ăn nhiều không phải là vấn đề: Em bé của bạn còn khá nhỏ khi ốm nghén ở mức tồi tệ nhất và chưa có nhiều nhu cầu về dinh dưỡng. Khi em bé cần nhiều dinh dưỡng cũng là lúc đa phần các bà bầu thoát khỏi tình trạng ốm nghén và có cảm giác thèm ăn quay trở lại. Ngay cả những phụ nữ không thể ăn thức ăn đến mức họ thực sự giảm cân trong ba tháng đầu tiên cũng không làm tổn thương em bé của họ, miễn là tiếp theo họ bù cho số cân đã mất trong những tháng sau đó. Tuy nhiên, hãy chú ý đến nước tiểu của bạn: Nó phải trong hoặc có màu sáng, nếu màu đậm nghĩa là bạn đang uống thiếu nước.

Tuy nhiên, nếu bạn nôn mọi thứ ăn vào, kể cả chất lỏng, thì đó có thể là triệu chứng của gravidarum hyperemesis – một tình trạng nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến 5% phụ nữ bị ốm nghén. Nếu bạn gặp các triệu chứng trong mục 5, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Có tệ không nếu bạn không bị ốm nghén?

Ốm nghén không phải là triệu chứng bắt buộc trong thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy gần 3/4 số phụ nữ mang thai bị buồn nôn và / hoặc nôn khi mang thai – điều đó có nghĩa là hơn 25% không có. Theo một nghiên cứu gần đây, buồn nôn khi mang thai giúp giảm 50 – 70% nguy cơ sẩy thai. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng phụ nữ bị ốm nghén sẽ có khả năng sinh ra một đứa trẻ thông minh. Sau khi đọc những thông tin trên, bạn có thể nghĩ rằng ốm nghén là một điều tốt. Thế nhưng, nếu không có các triệu chứng của việc ốm nghén, cũng đừng lo vì bạn đã may mắn bỏ qua được giai đoạn này.

Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment