Bệnh ung thư ngày nay đã trở thành một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội khi mà tỉ lệ người mắc bệnh ngày một gia tăng. Thực tế này đòi hỏi những phương pháp điều trị mới, hiệu quả nhưng ít tác dụng phụ hơn so với các phương thức điều trị truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Xuất phát từ ý tưởng sử dụng chính các cơ chế tự bảo vệ của cơ thể để chống lại tế bào ung thư, liệu pháp miễn dịch ngày nay được xem như một “bước đột phá” trong điều trị bệnh nhân ung thư.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về liệu pháp này.
Mục lục
- Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư là gì?
- Các loại liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư
- Đối tượng được điều trị miễn dịch là ai?
- Liệu pháp miễn dịch chống ung thư như thế nào?
- Tác dụng không mong muốn của liệu pháp miễn dịch
- Liệu pháp miễn dịch được thực hiện như thế nào?
- Sự kết hợp của liệu pháp miễn dịch với các phương pháp điều trị khác
- Chu kì điều trị bằng liệu pháp miễn dịch là bao lâu?
- Làm thế nào để biết liệu liệu pháp miễn dịch có hiệu quả hay không
- Chi phí của liệu pháp miễn dịch
- Những ưu điểm của liệu pháp miễn dịch
- Nhược điểm của liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư là gì?
Liệu pháp miễn dịch là một trong những cách điều trị ung thư, nó giúp kích hoạt hệ miễn dịch (bao gồm các tế bào bạch cầu, các cơ quan và mô của hệ bạch huyết) để nhận diện và tấn công, tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc phổ biến hiện nay là Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab và Durvalumab.
Liệu pháp miễn dịch là một loại sinh học trị liệu. Đây là một loại điều trị sử dụng các chất được tạo ra từ các sinh vật sống để điều trị ung thư.
Loại thuốc đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt là để điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn muộn vào năm 2011. Trước đó tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này ở giai đoạn muộn thường được đo lường bằng tháng. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân thêm vài năm.
Chỉ 3 tháng sau, FDA đã mở rộng chỉ định thuốc cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn. Sau đó, các nghiên cứu chứng minh thuốc hiệu quả trong ung thư bàng quang, thận, gan và đầu – cổ vào năm 2015. Gần đây nhất, một số báo cáo đã chứng tỏ sự thành công của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư máu, u lympho ác tính và một số ung thư đường tiêu hóa, phụ khoa.
Các loại liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư
Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư. Những phương pháp điều trị này có thể giúp hệ thống miễn dịch tấn công ung thư trực tiếp hoặc kích thích hệ thống miễn dịch.
Các loại liệu pháp miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch trực tiếp chống lại ung thư
Thuốc ức chế điểm kiểm soát (Checkpoint inhibitors)
Là những loại thuốc giúp hệ thống miễn dịch phản ứng mạnh hơn với khối u. Bình thường, hệ thống miễn dịch gửi tế bào lympho T đi tiêu diệt các tác nhân lạ mà không tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh nhờ có các “immune checkpoints”. Tuy nhiên, một hiện tượng quái lạ không có lời giải suốt vài chục năm qua là trong khối u có khá nhiều tế bào miễn dịch xâm nhập vào nhưng lại ở trạng thái bất hoạt. Nó được ví như một nhóm cảnh sát chuyên dẹp loạn nhưng khi vào đến sào huyệt lại đắp chăn nằm ngủ. Giáo sư James P Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) là hai người đầu tiên tìm ra nguyên nhân tại sao như vậy.
Hóa ra, các tế bào ung thư sử dụng một nhóm tín hiệu để “đi đêm” và ru ngủ “cảnh sát” miễn dịch. Cụ thể hơn, đó là các tương tác tế bào liên quan tới phân tử có tên CTLA-4 và PD-1 làm tế bào miễn dịch xem khối u như là “người nhà” và không tấn công loại trừ nữa. Trong lâm sàng, các thuốc ức chế “giao tiếp ngầm” nói trên như nivolumab, pembrolizumab (kháng PD-1), hay ipilimumab (kháng CTLA-4)… đã được nghiên cứu phát triển dưới tên gọi chung là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint inhibitor, ICI), giúp các chú “cảnh sát” bỏ được những bùa mê để tiếp tục công việc bằng cách ngăn chặn PD-1/ CTLA-4 phát tín hiệu, nhờ đó T-cells có thể phát hiện ra tế bào ung thư.
Liệu pháp này đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh, tuy nhiên cũng như hạn chế chung của các phương pháp miễn dịch là nó không hiệu quả với tất cả người bệnh, có những người đáp ứng với thuốc thì hầu như không thấy ung thư tái phát tuy nhiên có những người không đáp ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
Tế bào chuyển giao nuôi (Adoptive cell transfer)
Đó là một điều trị nhằm tăng cường khả năng tự nhiên của các tế bào T của bạn để chống lại ung thư. Trong điều trị này, các tế bào T được lấy từ khối u của bạn. Sau đó, những tế bào hoạt động tích cực chống lại ung thư nhất được nuôi nhiều đợt trong phòng thí nghiệm.
Quá trình phát triển các tế bào T trong phòng thí nghiệm có thể mất từ 2 đến 8 tuần. Trong thời gian này, bạn có thể có các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị để giảm các tế bào miễn dịch. Sau những lần điều trị này, các tế bào T được nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ được trả lại cho bạn thông qua đường tĩnh mạch.
FDA đã chấp thuận liệu pháp miễn dịch có tên là liệu pháp tế bào CAR-T (CAR-T là tên viết tắt của “Chimeric Antigen Receptor T-cell” có nghĩa là tế bào lympho T có chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm) dùng trong điều trị 2 loại ung thư máu. Cụ thể là các loại thuốc sau:
- Tisagenlecleucel (Kymriah): Thuốc này được sử dụng để điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 25 tuổi bị bệnh ung thư máu cấp tính dòng lympho (ALL) không phản ứng với hóa trị hoặc có phản ứng nhưng bị tái phát tới 2–3 lần sau khi điều trị.
- Axicabtagene ciloleucel (Yescarta): Thuốc này được chấp thuận để điều trị cho người trưởng thành mắc ung thư lympho tế bào B lớn (large B-cell lymphoma), ví dụ như u lympho không Hodgkin không phản ứng với các liệu pháp điều trị khác hoặc bị tái phát sau khi đã được điều trị.
Để tìm hiểu về liệu pháp này, xem thêm tại đây.
Kháng thể đơn dòng (Monoclonal antibodies)
Còn được gọi là kháng thể trị liệu, là các protein hệ thống miễn dịch được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Những kháng thể này được thiết kế để gắn vào các mục tiêu cụ thể được tìm thấy trên các tế bào ung thư. Một số kháng thể đơn dòng đánh dấu các tế bào ung thư để hệ thống miễn dịch dễ dàng nhận biết và tiêu diệt chúng và đây là một loại liệu pháp miễn dịch. Các kháng thể đơn dòng khác được sử dụng trong điều trị ung thư không gây ra phản ứng từ hệ thống miễn dịch. Các kháng thể đơn dòng như vậy được coi là liệu pháp nhắm trúng đích.
CÁC CƠ CHẾ TÁC DỤNG CÙA KHÁNG THỂ ĐƠN DÒNG VỚI KHỐI U:
- Làm cho tế bào Ung thư dễ bị phát hiện bởi hệ thống miễn dịch
- Ngăn chặn, ức chế quá trình phát triển tế bào
- Ngăn chặn, ức chế hình thành các mạch máu mới
- Là chất mang để đưa hạt nhân phóng xạ đến các tế bào
- Kháng thể có kích thước nhỏ dễ xâm nhập vào các mô, tổ chức.
Tìm hiểu thêm về liệu pháp nhắm trúng đích tại đây.
Vắc-xin điều trị
Có tác dụng chống ung thư bằng cách tăng cường hệ miễn dịch phản ứng với các tế bào ung thư. Từ “Vaccine” được hiểu như là một liều thuốc được đưa vào cơ thể để đẩy mạnh hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh và “vaccine chống ung thư” này không được làm ra để dùng cho người không bị ung thư. Tránh hiểu lầm với các kiểu vaccine uốn ván, thủy đậu mà chúng ta được chích lúc khỏe mạnh để phòng bệnh. Vắc-xin điều trị khác với các loại vắc-xin giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Các loại liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư
Cytokines
Là các protein được tạo ra bởi các tế bào cơ thể. Chúng đóng vai trò quan trọng đáp ứng miễn dịch của cơ thể cũng như khả năng đáp ứng chống lại ung thư. Hai loại cytokine chính được sử dụng để điều trị ung thư được gọi là interferon và interleukin.
BCG
Viết tắt của Bacillus Calmette-Guérin, là một liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Nó chính là vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm yếu đi. Khi đưa trực tiếp vào bàng quang bằng ống thông, BCG gây ra phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư. Hiện nay nó cũng đang được nghiên cứu trong các loại ung thư khác.
Đối tượng được điều trị miễn dịch là ai?
Liệu pháp miễn dịch chưa được sử dụng rộng rãi như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch đã được phê duyệt để điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.
Nhiều liệu pháp miễn dịch khác đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng, đó là các nghiên cứu liên quan đến con người. Tìm hiểu thêm về các nghiên cứu tại đây.
Liệu pháp miễn dịch chống ung thư như thế nào?
Ung thư là một dạng “tham nhũng” xảy ra trong cơ thể con người, vốn là tập hợp của hàng tỷ tế bào nhỏ li ti với công việc, chức năng khác nhau. Tế bào ung thư tăng sinh không kiểm soát, tạo thành những khối u bề thế chiếm hết đất sống và chất dinh dưỡng của tế bào thường. Cơ thể suy yếu kiệt quệ vì tế bào khỏe mạnh chẳng còn gì mà sống tiếp. Hơn nữa chúng còn có khả năng ẩn mình, để tránh khỏi sự tiêu diệt của các tế bào miễn dịch, do vậy chúng lại càng phát triển mạnh.
Liệu pháp miễn dịch có thể đánh dấu các tế bào ung thư, giúp hệ miễn dịch dễ dàng tìm thấy và tiêu diệt hơn. Các liệu pháp miễn dịch khác thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động tốt hơn chống lại ung thư.
Tác dụng không mong muốn của liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Các tác dụng phụ xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào sức khỏe của bạn trước khi điều trị, loại ung thư, mức độ tiến triển, loại trị liệu bạn đang dùng và liều lượng thuốc. Các bác sĩ và y tá không thể biết chắc chắn bạn sẽ cảm thấy như thế nào trong quá trình điều trị.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất là phản ứng da tại vị trí chọc kim. Những tác dụng phụ này bao gồm:
- Đau, nhức
- Sưng
- Đỏ
- Ngứa
- Phát ban
Bạn có thể gặp các triệu chứng giống như cúm, bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Yếu mệt
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đau cơ hoặc đau khớp
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Khó thở
- Huyết áp thấp hoặc cao
Những tác dụng phụ này đặc biệt dễ gặp nếu bạn dùng liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu và liệu pháp sử dụng virus gây tan tế bào ung thư. Khi bị những triệu chứng này, bạn cần đặc biệt chú ý tránh mất nước và liên hệ với bác sĩ điều trị ngay.
Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm:
- Sưng và tăng cân do ứ dịch
- Đánh trống ngực
- Tắc nghẽn xoang
- Tiêu chảy
- Nguy cơ nhiễm trùng tăng
Liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên, những phản ứng này rất hiếm.
Liệu pháp miễn dịch được thực hiện như thế nào?
Các dạng khác nhau của liệu pháp miễn được thực hiện theo những cách khác nhau. Bao gồm:
- Tiêm, tuyền tĩnh mạch (IV): Các thuốc được đưa trực tiếp vào tĩnh mạch thông qua một kim nhỏ.
- Uống: Thuốc ở dạng viên nang hay dung dịch
- Tại chỗ: Liệu pháp miễn dịch có trong một loại kem bôi da. Loại liệu pháp miễn dịch này có thể được sử dụng cho ung thư da ở giai đoạn rất sớm.
- Nội bàng quang: Liệu pháp miễn dịch đi trực tiếp vào bàng quang.
Sự kết hợp của liệu pháp miễn dịch với các phương pháp điều trị khác
Kết hợp hai loại liệu pháp miễn dịch
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp 2 liệu pháp miễn dịch hoạt động theo 2 cách khác nhau. Một liệu pháp điều trị có thể ngăn chặn tế bào ung thư trốn hệ miễn dịch, một liệu pháp khác có thể giúp tế bào miễn dịch phát hiện tế bào ung thư hiệu quả. Kết hợp 2 liệu pháp miễn dịch có thể giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả và chính xác hơn.
FDA đã cấp phép sử dụng kết hợp nivolumab (Opdivo) và ipilimumab (Yervoy) trong điều trị ung thư da, kết quả cho thấy kết hợp 2 loại thuốc cho hiệu quả cao hơn.
Kết hợp liệu pháp miễn dịch và xạ trị
Xạ trị có thể ảnh hưởng tới một số tế bào miễn dịch của cơ thể nhưng liệu pháp miễn dịch có thể khắc phục được nhược điểm này. Ngoài ra, xạ trị cũng khiến các tế bào ung thư dễ bị tế bào miễn dịch phát hiện và tiêu diệt hơn.
Kết hợp xạ trị và liệu pháp miễn dịch đã cho thấy hiệu quả trong điều trị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư da…
Kết hợp liệu pháp miễn dịch và hóa trị
Các nhà khoa học cho biết cũng giống như xạ trị, kết hợp liệu pháp miễn dịch với hóa trị khiến tế bào ung thư dễ phản ứng với liệu pháp miễn dịch hơn. Hóa trị đã được sử dụng kết hợp với 2 liệu pháp tế bào miễn dịch là liệu pháp CAR-T và liệu pháp TCR.
Bác sĩ thường sẽ đề xuất điều trị lần một bằng hóa trị để giảm số lượng các tế bào miễn dịch khác trước khi đưa tế bào T đã được cải biến vào máu. Điều này sẽ giúp tế bào T được chuyển vào có thể tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư dễ dàng hơn.
Liệu pháp miễn dịch Nivolumab cũng có thể được kết hợp với các liệu pháp hóa trị khác trong điều trị một số loại ung thư da, u lympho Hodgkin, ung thư phổi, thận, ung thư đại tràng và ung thư gan.
Cơ hội chữa trị ung thư của liệu pháp miễn dịch ngày càng được củng cố với giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học nghiên cứu về liệu pháp này. Các bệnh nhân ung thư nay đã có thêm hy vọng chữa bệnh có tác dụng cao mà lại gặp ít tác dụng phụ.
Chu kì điều trị bằng liệu pháp miễn dịch là bao lâu?
Tần suất và thời gian điều trị bằng liệu pháp miễn dịch phụ thuộc vào:
- Loại ung thư mắc phải và mức độ tiến triển của nó
- Loại liệu pháp miễn dịch bạn điều trị là gì
- Cơ thể bạn phản ứng thế nào với việc điều trị
Bạn có thể điều trị mỗi ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Trong một chu kì có thể sử dụng một vài liệu pháp miễn dịch. Một chu kỳ là tổng thời gian 1 lần điều trị và thời gian nghỉ ngơi sau lần đó cho tới đợt điều trị tiếp theo. Thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể bạn có cơ hội phục hồi, đáp ứng với liệu pháp miễn dịch và xây dựng các tế bào khỏe mạnh mới.
Làm thế nào để biết liệu liệu pháp miễn dịch có hiệu quả hay không
Bạn sẽ phải tái khám thường xuyên. Bác sĩ sẽ hỏi bạn cảm thấy thế nào. Bạn sẽ được làm một số xét nghiệm và thăm dò, chẳng hạn như xét nghiệm máu để kiểm tra những thay đổi trong máu và chụp chiếu để đo kích thước khối u.
Chi phí của liệu pháp miễn dịch
Theo Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết Bộ Y tế cuối năm 2017 đã cấp visa lưu hành thuốc điều trị theo liệu pháp miễn dịch tại Việt Nam. Thuốc được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân người lớn bị ung thư hắc tố melanoma tiến triển (không thể cắt bỏ hoặc đã di căn), ung thư phổi không tế bào nhỏ. Nhiều bệnh nhân ung thư bàng quang, đầu cổ… đang được tham gia thử nghiệm thuốc miễn dịch trong các nghiên cứu đa quốc gia.
Chi phí điều trị bằng thuốc miễn dịch hiện nay chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh phải thanh toán 100%. Giá mỗi lọ thuốc hơn 62 triệu đồng. Mỗi lần bệnh nhân sử dụng 2 lọ thuốc, phác đồ dùng thuốc 3 tuần một lần và kéo dài 1-2 năm hoặc hơn tùy thuộc vào mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Như vậy trung bình mỗi lần dùng thuốc miễn dịch chi phí hơn 100 triệu đồng, chưa kể nhiều chi phí khác như xét nghiệm, dịch các loại… Nhiều tình huống lâm sàng bệnh nhân phải phối hợp thuốc miễn dịch với hóa trị và xạ trị để tăng hiệu quả.
Bác sĩ Tuấn Anh giải thích: “Liệu pháp miễn dịch còn mới nên chi phí điều trị rất tốn kém”.
Những ưu điểm của liệu pháp miễn dịch
Một số ưu điểm của liệu pháp có thể kể đến như:
- Tác dụng điều trị cao: Liệu pháp miễn dịch có thể có tác dụng trong khi ung thư bạn mắc không phản ứng với các liệu pháp điều trị khác. Một số loại ung thư như ung thư da không phản ứng tốt với xạ trị và hóa trị nhưng lại bị khống chế sau điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
- Tăng cường hiệu quả các liệu pháp khác: Khi kết hợp với các liệu pháp trị ung thư khác, liệu pháp miễn dịch có thể giúp tăng cường hiệu quả của các liệu pháp điều trị này. Ví dụ, hóa trị có thể có tác dụng tốt hơn nếu được dùng kết hợp với liệu pháp miễn dịch.
- Ít tác dụng phụ hơn: Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch gây ra ít tác dụng phụ hơn bởi vì liệu pháp này chỉ nhắm vào hệ miễn dịch chứ không ảnh hưởng nhiều tới các tế bào khác trong cơ thể.
- Nguy cơ tái phát ung thư có thể thấp hơn: Sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, các tế bào miễn dịch trong cơ thể bạn đã được đào tạo và biết cách tiêu diệt tế bào ung thư khi chúng quay trở lại. Đó là cơ chế đáp ứng miễn dịch nhờ giúp ngăn ngừa tái phát ung thư.
Nhược điểm của liệu pháp miễn dịch
Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Có thể gây ra một số phản ứng: Những vùng chích thuốc có thể bị các ảnh hưởng như đau, ngứa, sưng, đỏ hoặc rộp.
- Có thể gây ra tác dụng phụ: Như đã đề cập tới ở phần trước
- Có thể gây ảnh hưởng tới cơ quan khỏe mạnh: Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch có thể khiến hệ miễn dịch tấn công các cơ quan của cơ thể như tim, gan, phổi, thận và ruột.
- Chậm có tác dụng: Trong một số trường hợp, thời gian phát huy hiệu quả của liệu pháp miễn dịch có thể rất lâu.
- Kén bệnh nhân: Không phải nào cũng phản ứng tốt với liệu pháp miễn dịch. Tới nay, liệu pháp miễn dịch chỉ phát huy hiệu quả ở dưới 50% người dùng. Một số người chỉ có phản ứng một phần có nghĩa là khối u có thể dừng phát triển hoặc nhỏ đi nhưng không biến mất. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu lý do gây vấn đề này.
- Cơ thể bạn dễ bị nhờn thuốc: Liệu pháp miễn dịch có thể ngừng phát huy tác dụng trong một số trường hợp do cơ thể bạn bị nhờn thuốc
Bác sĩ có thể đề xuất sử dụng liệu pháp miễn dịch riêng lẻ hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch sau khi dùng liệu pháp điều trị khác hoặc dùng kết hợp với một số liệu pháp điều trị như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Đối với những căn bệnh diễn biến phức tạp như ung thư, sử dụng phối hợp nhiều liệu pháp điều trị có thể giúp tối ưu hiệu quả điều trị.
Nói tóm lại thành công của liệu pháp miễn dịch mở ra nhiều hy vọng mới, giúp kho vũ khí điều trị ung thư ngày càng phong phú, với nhiều gam màu tươi sáng hơn. Mỗi bệnh nhân sẽ có những chỉ định phù hợp, lựa chọn phối hợp với những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích… để có kết quả tốt nhất.