Ung thư

Liệu pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư: Những điều bạn cần biết

Ghép tế bào gốc dường như là một liệu pháp thần kỳ với những người bị ung thư máu và nhiều loại ung thư khác. Nhưng thực sự, ghép tế bào gốc điều trị ung thư là gì và bệnh nhân sẽ phải chung sống với nó ra sao thì không hẳn ai cũng biết.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin:

  • Tế bào gốc và cấy ghép tế bào gốc là gì?
  • Cấy ghép tế bào gốc điều trị ung thư có những loại nào?
  • Những loại ung thư có thể điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc
  • Một số vấn đề cần lưu ý khi điều trị bằng tế bào gốc như: Tác dụng phụ, thời gian, chi phí, chế độ sinh hoạt…

Nào! Hãy cùng bắt đầu thôi!

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trên cơ thể. Trong các cơ quan, tế bào gốc có vai trò như một hệ thống sửa chữa nội bộ. Dựa trên khả năng biệt hóa của tế bào gốc, người ta phân chia ra làm 3 nhóm chính:

  1. Tế bào gốc toàn năng (totipotent)
  2. Tế bào gốc vạn năng (Pluripotent)
  3. Tế bào gốc đa năng (Multipotent)

Hai nhóm đầu được tìm thấy trong giai đoạn phôi thai. Nhóm thứ 3 được tìm thấy trong nhiều loại mô ở người trưởng thành (tủy xương, da, gan, mô mỡ,…), máu từ cuống rốn, răng sữa trẻ em.

Cấy ghép tế bào gốc điều trị ung thư là gì?

ghép tế bào gốc điều trị ung thư

Cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp phục hồi tế bào gốc tạo máu đã bị phá hủy ở những bệnh nhân được điều trị hóa trị hoặc xạ trị trong một số bệnh ung thư. Do vậy việc cung cấp một lượng tế bào gốc mới để thay thế/tái tạo các tế bào cũ đã chết đi là cần thiết.

Trong các loại tế bào gốc trên thì tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cell) được sử dụng nhiều nhất trong điều trị ung thư hiện nay. Tế bào gốc này được tìm thấy phần lớn trong tủy xương, một ít trong máu. Tế bào gốc tạo máu rất quan trọng vì chúng phát triển thành các loại tế bào máu khác nhau. Các loại tế bào máu chính là:

  • Các tế bào bạch cầu, là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng
  • Các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể
  • Tiểu cầu, giúp cho quá trình đông máu xảy ra khi chúng ta bị thương

Bạn cần đủ số lượng và chất lượng cả ba loại tế bào máu để cơ thể khỏe mạnh.

Tế bào gốc đến từ đâu?

Tùy thuộc vào loại cấy ghép thực hiện, có 3 nguồn tế bào gốc có thể sử dụng để cấy ghép:

  1. Tủy xương (từ bệnh nhân hoặc từ người khác)
  2. Máu (máu ngoại vi – từ bệnh nhân hoặc từ người khác)
  3. Máu cuống rốn từ trẻ sơ sinh

Tủy xương

Tủy xương là mô chất lỏng xốp ở trung tâm của một số xương. Nó có một nguồn cung cấp tế bào gốc phong phú và công việc chính của nó là tạo ra các tế bào máu lưu thông trong máu. Xương chậu (hông) có nhiều tủy nhất và chứa số lượng lớn tế bào gốc. Vì lý do này, các tế bào từ xương chậu được sử dụng thường xuyên nhất để ghép tủy xương.

Bác sĩ sẽ dùng một cây kim lớn chọc vào phía sau của xương chậu. Tủy sẽ được đưa ra ngoài qua kim cho tới khi đủ số lượng. Việc này sẽ được thực hiện trong phòng mổ và tốn khoảng 1-2 giờ.

Sau khi được lấy ra, tủy được lưu trữ trong một dung dịch đặc biệt đựng trong túi và được đông lạnh. Khi sử dụng, nó sẽ được giã đông trước khi truyền vào máu bệnh nhân thông qua đường tĩnh mạch. Các tế bào gốc di chuyển đến tủy xương và bắt đầu tạo ra các tế bào máu mới.

Máu ngoại vi

Bình thường, trong máu không có nhiều tế bào gốc. Tuy nhiên, vài ngày trước khi hiến tặng, người cho có thể được tiêm một loại hormon được gọi là các yếu tố tăng trưởng làm cho tế bào gốc trong tủy xương phát triển nhanh hơn và di chuyển từ tủy xương vào máu.

Người cho sẽ được luồn một ống thông vào tĩnh mạch lớn, đầu kia của ống thông có nối với một máy đặc biệt có chức năng tách các tế bào gốc ra khỏi máu và trả lại phần máu sau khi đã tách quay trở lại người cho. Quy trình này có thể mất vài giờ và có thể phải lặp lại vài ngày sau đó tới khi có đủ lượng tế bào gốc. Các tế bào gốc được lọc, lưu trữ trong túi và đông lạnh cho đến khi bệnh nhân sẵn sàng.

Khi được đưa vào cơ thể bệnh nhân, các tế bào gốc được đưa qua đường tĩnh mạch, giống như truyền máu. Các tế bào gốc di chuyển đến tủy xương, bắt đầu cấy ghép và sau đó tạo ra các tế bào máu mới. Các tế bào mới thường được tìm thấy trong máu bệnh nhân trong khoảng 10 đến 20 ngày.

Máu cuống rốn

Một số lượng lớn các tế bào gốc thường được tìm thấy trong máu của trẻ sơ sinh. Sau khi sinh, máu còn lại trong nhau thai và dây rốn (được gọi là máu cuống rốn) có thể được lấy và lưu trữ để sử dụng sau này trong cấy ghép tế bào gốc. Một số gia đình gửi máu cuống rốn vào ngân hàng máu để sử dụng trong tương lai cho đứa trẻ đó hoặc anh chị em ruột của trẻ. Các gia đình có thể hiến máu cuống rốn để sử dụng cho cộng đồng. Máu cuống rốn hiến tặng đã trở thành một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân không thể tìm thấy mẫu phù hợp trong gia đình của mình.

Một nhược điểm có thể có của máu cuống rốn là số lượng tế bào gốc ít hơn. Tuy nhiên mỗi tế bào gốc trong máu cuống rốn có thể hình thành nhiều tế bào máu hơn tế bào gốc từ tủy xương. Do đó sự chệnh lệch này có thể cân bằng lại. Tuy nhiên, cấy ghép máu cuống rốn có thể mất nhiều thời gian hơn để lưu giữ tới khi cần thiết. Máu cuống rốn được truyền vào bệnh nhân qua đường tĩnh mạch giống như truyền máu.

Phương pháp ghép tế bào gốc cũng được gọi là:

  • Ghép tủy xương – khi các tế bào gốc được lấy từ tủy xương
  • Ghép tế bào gốc máu ngoại vi (PBSCT) – khi các tế bào gốc được lấy từ máu
  • Ghép tế bào máu (BCT)
  • Ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT)

Các loại cấy ghép tế bào gốc

Dựa trên nguồn gốc của tế bào gốc, phương pháp này có thể chia ra làm 3 loại: Tự ghép (Autologous), Dị ghép (Allogeneic), Đồng ghép (Syngeneic).

Tự ghép (Autologous) – lấy tế bào từ chính cơ thể bệnh nhân

Các tế bào gốc này được lấy từ tủy hoặc máu của bệnh nhân trước khi điều trị. Các tế bào này được bảo quản đông lạnh và được trả lại cơ thể sau khi điều trị. Ưu điểm của phương pháp này là bạn không sợ bị bệnh ghép chống chủ (graft-versus-host disease) hoặc khả năng nhiễm bệnh từ người cho. Tuy nhiên cũng có trường hợp không thành công khi các tế bào gốc này không trở lại tủy xương và tạo ra các tế bào máu như trước đó.

Một nhược điểm khác của phương pháp này là các tế bào này thường không có khả năng chống các tế bào ung thư (graft-versus-cancer). Ngoài ra, lấy tế bào gốc theo phương pháp này có thể mang theo một nguy cơ khác là khả năng tế bào ung thư nhiễm trong các tế bào gốc. Để giảm thiểu rủi ro này, một quá trình sàng lọc các tế bào gốc có thể được tiến hành (được gọi là purging) để loại bỏ các tế bào ung thư. Tuy nhiên, quá trình sàng lọc này có thể làm giảm lượng tế bào gốc và làm các tế bào gốc trở nên khó thích ứng với cơ thể hơn.

Dị ghép (Allogeneic)

Lấy tế bào từ cơ thể một người tương hợp (matched) với bệnh nhân, có thể có liên quan đến gia đình, họ hàng (related) hoặc không (unrelated).

Trong phương pháp này sự tương hợp giữa người cho và người nhận rất quan trọng. Thường thì người cho phù hợp nhất là những người thân trong gia đình, họ hàng. Nếu không có thì sẽ dựa vào số liệu đăng ký từ những người tự nguyện ở các trung tâm chuyên về cấy ghép mô, tế bào.

Ưu điểm của phương pháp này là tế bào miễn dịch tạo ra từ các tế bào gốc có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau quá trình điều trị hóa hoặc xạ trị. Một ưu điểm khác là có thể xin thêm tế bào gốc từ người cho trong trường hợp không đủ hoặc thậm chí có thể xin tế bào bạch cầu nếu cần thiết.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là các tế bào gốc của người cho có thể bị tiêu diệt bởi các tế bào miễn dịch còn lại trong cơ thể người nhận hoặc ngược lại các tế bào bạch cầu sản sinh từ các tế bào gốc cho này có thể tấn công không chỉ các tế bào ung thư mà còn các tế bào khỏe mạnh của cơ thể người nhận (graft-versus-host disease).

Một nguy cơ nhỏ có thể xảy ra là nhiễm bệnh từ người cho, mặc dù việc kiểm tra thường rất chặt chẽ. Ngoài ra còn có một nguy cơ lớn hơn là từ các bệnh mà bệnh nhân đã mắc phải trước đó, các bệnh này có thể quay trở lại và gây nguy hiểm khi cơ thể của bệnh nhân phải điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch (immunosuppressive drugs) để tạo dễ dàng cho việc ghép tế bào gốc từ người cho.

Đồng ghép (Syngeneic) – lấy tế bào từ anh/chị/em song sinh cùng trứng (twin)

Loại cấy ghép này chỉ có thể thực hiện khi người bệnh có anh/chị/em song sinh cùng trứng. Do sự tương đồng cao của tế bào từ hai cơ thể nên trường hợp này sẽ tránh được nguy cơ thải loại của hệ miễn dịch, đồng thời không lo sự lẫn tạp của tế bào ung thư trong tế bào gốc khi cho. Tuy nhiên cũng vì vậy mà khả năng các tế bào gốc này giúp chống trả ung thư trong cơ thể người nhận là rất thấp. Do vậy, phải bảo đảm tiêu diệt sạch tế bào ung thư trước khi cấy ghép để tránh sự tái phát của ung thư.

Để giảm các tác dụng phụ có thể xảy ra và cải thiện khả năng cấy ghép allogeneic, các tế bào gốc tạo máu của người cho phải phù hợp với người bệnh theo những cách nhất định.

Vậy làm thế nào để biết các tế bào gốc của người cho phù hợp với các tế bào gốc của bệnh nhân ghép dị ghép (allogeneic) hoặc đồng ghép (syngeneic)?

Để giảm thiểu các tác dụng phụ có thể xảy ra, hầu hết các bác sĩ thường sử dụng các tế bào gốc được cấy ghép phù hợp với tế bào gốc của chính bệnh nhân. Mỗi người có một bộ protein khác nhau, được gọi là kháng nguyên bạch cầu người (HLA) có trên bề mặt mỗi tế bào của cơ thể.

Trong hầu hết các trường hợp, sự thành công của ghép dị ghép phụ thuộc một phần vào mức độ phù hợp của kháng nguyên HLA người cho với người nhận. Số lượng kháng nguyên HLA phù hợp càng cao, cơ hội bệnh nhân có thể tương hợp với tế bào gốc của người cho càng cao. Nhìn chung, nếu các tế bào gốc của người cho và bệnh nhân có mức độ phù hợp càng cao thì biến chứng bệnh ghép chống chủ sẽ ít xảy ra.

Người thân, đặc biệt là anh chị em, có nhiều khả năng có HLA phù hợp hơn những người không cùng huyết thống. Tuy nhiên, chỉ có 25% đến 35% bệnh nhân có anh chị em phù hợp HLA. Cơ hội để có được các tế bào gốc phù hợp HLA từ một người cho không cùng huyết thống là cao hơn một chút, khoảng 50%. Trong số người cho không cùng huyết thống, sự phù hợp HLA được cải thiện rất nhiều khi người cho và người nhận có cùng dân tộc và chủng tộc.

Bởi vì các cặp song sinh cùng trứng giống hệt nhau có cùng một gen, chúng có cùng một bộ kháng nguyên HLA. Do đó, cơ thể bệnh nhân sẽ chấp nhận cấy ghép từ anh/chị/em sinh đôi giống hệt nhau của mình. Tuy nhiên, tỷ lệ cặp song sinh giống hệt nhau là rất nhỏ, vì vậy cấy ghép syngene (đồng ghép) là rất hiếm.

Cấy ghép tế bào gốc có tác dụng chống ung thư như thế nào?

Cấy ghép tế bào gốc thường không có tác dụng trực tiếp chống ung thư. Thay vào đó, chúng giúp người bệnh phục hồi khả năng sản xuất tế bào gốc sau khi điều trị bằng liều xạ trị hoặc hóa trị hoặc cả hai.

Tuy nhiên, trong bệnh đa u tủy xương và một số loại bệnh bạch cầu, ghép tế bào gốc có thể chống lại ung thư một cách trực tiếp. Điều này xảy ra do một hiệu ứng được gọi là hiện tượng tế bào ghép chống u (graft-versus-tumor) có thể xảy ra sau khi cấy ghép dị ghép. Hiện tượng này xảy ra khi các tế bào bạch cầu từ người cho (còn gọi là mảnh ghép) tấn công bất kỳ tế bào ung thư nào còn lại trong cơ thể người bệnh sau khi điều trị liều cao. Hiệu quả này cải thiện sự thành công của các phương pháp điều trị.

Các bệnh ung thư hiện nay đang sử dụng tế bào gốc để điều trị

Hiện nay phương pháp điều trị bằng tế bào gốc thường chủ yếu áp dụng cho bệnh nhân bị ung thư máu (leukemia, lymphomas, multiple myeloma,…) vì các tế bào tạo máu của người bệnh trong trường hợp này hầu hết là phải được thay thế, ngoài ra chúng cũng có thể được sử dụng cho u nguyên bào thần kinh và đa u tủy xương.

Ngoài ra, tế bào gốc còn được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung cho một số trường hợp ung thư khác không chữa khỏi được bằng phương pháp thông thường. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy cũng có một số trường hợp khả quan trong việc ngăn chặn sự trở lại của tế bào ung thư sau khi hóa/xạ trị liều cao ở bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn, ung thư vú…

Một thực nghiệm lâm sàng được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học ở đại học Y Stanford (Muller et al. Biol Blood Marrow Transplant, 2012). Thực nghiệm có 96 bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn cuối sau khi được hóa trị liều cao sẽ nhận tế bào gốc tự ghép (tế bào gốc của chính mình). Các tế bào gốc này được xử lý theo phương pháp thông thường hoặc được làm tinh sạch hơn (để loại bỏ các tế bào ung thư tạp nhiễm) trước khi đưa vào người bệnh.

Sau hơn 12 năm, kết quả cho thấy: Trong nhóm 74 người nhận tế bào gốc được xử lý theo phương pháp thông thường, có 7 người còn sống (9%), 5 người trong số này không còn thấy tế bào ung thư. Trong khi đó trong nhóm 22 người nhận tế bào gốc đã được tinh sạch trước có 5 người còn sống (23%), 4 người trong số này khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy số lượng người tham gia trong thực nghiệm này còn ít nhưng cũng có thể cho thấy là việc sử dụng tế bào gốc đã góp phần tích cực cho việc điều trị ung thư. Ngoài ra, việc làm sạch tế bào gốc (loại bỏ tế bào ung thư) trong phương pháp tự ghép (autologous) cũng góp phần nâng cao tỉ lệ thành công.

Tác dụng phụ của điều trị bằng tế bào gốc

Tác dụng phụ có thể xảy ra với bất kì loại điều trị nào, tác dụng phụ sẽ khác nhau đối với mỗi người, có người gặp ít tác dụng phụ, có người lại gặp nhiều hơn.

Tác dụng phụ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong, ngay sau hoặc vài ngày đến vài tháng sau khi cấy ghép tế bào gốc. Tác dụng phụ ngắn hạn (cấp tính) thường phát triển trong 100 ngày đầu tiên sau khi ghép tế bào gốc. Tác dụng phụ lâu dài (mãn tính) thường phát triển 100 ngày trở lên sau khi cấy ghép. Hầu hết các tác dụng phụ tự hết hoặc có thể được điều trị, nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài hoặc trở thành vĩnh viễn.

Tác dụng phụ của cấy ghép tế bào gốc sẽ phụ thuộc chủ yếu vào:

  • Loại và liều lượng thuốc hóa trị liệu được sử dụng như liệu pháp chuẩn bị trước khi cấy ghép
  • Liều xạ trị trước khi ghép
  • Loại cấy ghép được thực hiện
  • Các tế bào gốc của người hiến tặng có tốt không
  • Tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh

Ghép tế bào gốc rất phức tạp. Có thể mất 6 đến 12 tháng hoặc lâu hơn để số lượng máu trở lại bình thường và hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Tác dụng phụ của cấy ghép tế bào gốc có thể rất nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Bệnh nhân sẽ được đề nghị tái khám thường xuyên trong thời gian này.

Trẻ em thường có tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn người lớn và thường sẽ phục hồi nhanh hơn. Nhưng thật khó để nói chính xác những tác dụng phụ mà trẻ em sẽ gặp, chúng sẽ kéo dài bao lâu và khi nào trẻ sẽ hồi phục.

Dưới đây là danh sách không đầy đủ về tác dụng phụ của việc cấy ghép, một trong những vấn đề này có thể đe dọa tới tính mạng. Do vậy, điều quan trọng là, người bệnh cần phải thông báo với bác sĩ các vấn đề gặp phải.

Một số tác dụng phụ có thể ngăn chặn được và hầu hết có thể được điều trị để giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn.

Đau miệng và cổ họng

Niêm mạc miệng bị viêm hoặc lở loét là tác dụng phụ cấp tính có thể xảy ra với hóa trị và xạ trị. Nó thường trở nên tốt hơn trong vòng một vài tuần sau khi điều trị, nhưng nó có thể khiến cho việc ăn uống trở nên rất đau đớn.

Buồn nôn và ói mửa

Vì thuốc hóa trị có thể gây buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng, do vậy các bác sĩ thường cho thuốc chống buồn nôn cùng lúc với hóa trị để thử và phòng ngừa. Càng nhiều càng tốt, mục tiêu là để ngăn ngừa buồn nôn và ói mửa, bởi vì điều trị dự phòng là dễ hơn điều trị khi buồn nôn và nôn xảy ra. Điều trị dự phòng nên bắt đầu trước khi điều trị hóa trị và nên tiếp nếu hóa trị có khả năng gây nôn, có thể kéo dài 7 đến 10 ngày sau liều hóa trị cuối cùng.

Không một loại thuốc nào có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát buồn nôn và nôn liên quan đến hóa trị 100%. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể phải sử dụng nhiều hơn 2 loại thuốc.

Nhiễm trùng

Trong khoảng 6 tuần đầu tiên sau khi cấy ghép, cho đến khi các tế bào gốc mới bắt đầu tạo ra các tế bào bạch cầu (cấy ghép), người bệnh có thể dễ dàng bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhiễm trùng do vi khuẩn là phổ biến nhất trong thời gian này, nhưng nhiễm virus có thể được kiểm soát bởi hệ thống miễn dịch có thể hoạt động trở lại. Nhiễm nấm cũng có thể là một vấn đề. Thậm chí có những bệnh nhiễm trùng chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ ở những người có hệ thống miễn dịch bình thường nhưng lại có thể khá nguy hiểm đối với bệnh nhân vừa được ghép tế bào gốc.

Người bệnh có thể được cho dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng cho đến khi lượng máu đạt đến một mức nhất định. Ví dụ, viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến rất dễ mắc phải. Mặc dù mầm bệnh này không gây hại cho những người có hệ thống miễn dịch bình thường, nhưng đối với những người được cấy ghép tế bào gốc, nó có thể gây sốt, ho và khó thở nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để giữ cho bệnh nhân cấy ghép để tránh khỏi bệnh này.

Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh nhân trước khi cấy ghép để tìm dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng có thể hoạt động sau khi cấy ghép và cung cấp cho bệnh nhân các loại thuốc đặc biệt để kiểm soát những vi khuẩn đó.

Sau khi cấy ghép thành công, nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn, nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Phải mất 6 tháng đến một năm sau khi cấy ghép để hệ thống miễn dịch của hầu hết bệnh nhân hoạt động tốt như bình thường. Có thể mất nhiều thời gian hơn đối với những bệnh nhân xảy ra hiện tượng bệnh ghép chống chủ.

Do nguy cơ nhiễm trùng tăng cao, các dấu hiệu nhiễm trùng sẽ được theo dõi chặt chẽ, chẳng hạn như sốt, ho, khó thở hoặc tiêu chảy. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu của bệnh nhân thường xuyên và sẽ cần thêm biện pháp phòng ngừa để tránh tiếp xúc với vi trùng.

Vì hoa và thực vật có thể mang theo vi khuẩn và nấm, do vậy người bệnh không nên mang chúng vào phòng. Vì lý do tương tự, bệnh nhân có thể được khuyên không nên ăn một số loại trái cây và rau quả tươi. Tất cả thức ăn phải được nấu chín. Một số thực phẩm có thể cần phải tránh trong một thời gian.

Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu tránh tiếp xúc với đất, phân, bể cá, bò sát.

Có nhiều loại virus, vi khuẩn và nấm có thể gây nhiễm trùng sau khi cấy ghép.

Một trong những dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên là sốt. Nếu bị sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Các xét nghiệm sẽ được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân nhiễm trùng (chụp X quang ngực, xét nghiệm nước tiểu và cấy máu) và có thể bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh.

Chảy máu và thiếu máu

Chảy máu có thể xảy ra sau khi cấy ghép tế bào gốc vì số lượng tiểu cầu rất thấp và nó làm giảm khả năng đông máu của máu.

Số lượng tiểu cầu sẽ thấp trong vòng ít nhất 3 tuần sau khi cấy ghép. Trong thời gian đó, bệnh nhân có thể nhận thấy các dấu hiệu như dễ bị bầm tím và chảy máu, chẳng hạn như chảy máu cam và chảy máu nướu răng. Số lượng tiểu cầu của bệnh nhân giảm xuống dưới một mức nhất định và có thể cần phải truyền tiểu cầu. Bệnh nhân cần phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa cho đến khi số lượng tiểu cầu trở về mức an toàn.

Nếu số lượng hồng cầu quá thấp, nó có thể dẫn đến thiếu máu. Khi cơ thể thiếu máu, các cơ quan sẽ không đủ oxy để làm việc dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi.

Cũng cần có thời gian để tủy xương bắt đầu tạo ra các tế bào hồng cầu và bệnh nhân có thể cần truyền hồng cầu trong thời gian đợi hồi phục.

Viêm phổi và các vấn đề về phổi khác

Viêm phổi là một loại vấn đề phổ biến nhất trong 100 ngày đầu sau ghép. Nhưng một số vấn đề về phổi có thể xảy ra muộn hơn nhiều – thậm chí 2 năm hoặc hơn sau khi ghép. Chụp X-quang ngực và kiểm tra chức năng phổi là cần thiết để theo dõi viêm phổi cũng như các vấn đề về phổi.

Các vấn đề về phổi là phổ biến ở những người bị bệnh ghép chống chủ và bao gồm những điều sau đây:

  • Phù phổi là sự tích tụ chất lỏng trong phổi gây khó thở.
  • Viêm phổi là nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm.
  • Phổi hạn chế. Bình thường phổi có thể giãn rộng hoàn toàn khi hít vào. Nếu gặp vấn đề phổi hạn chế, người bệnh sẽ khó để hít thở hoàn toàn và có thể là một vấn đề lâu dài.
  • Với bệnh phổi tắc nghẽn, đường thở bị tắc nghẽn. Khi thở ra, không khí vẫn ứ lại trong phổi.

Hiện tượng bệnh ghép chống chủ

Hiện tượng bệnh ghép chống chủ có thể xảy ra trong cấy ghép dị ghép khi các tế bào miễn dịch từ người cho tấn công các tế bào người nhận. Hơn nữa hệ thống miễn dịch của người nhận hầu hết đã bị phá hủy bởi điều trị hóa trị hoặc xạ trị trước đó và không thể chống lại – các tế bào gốc mới chiếm phần lớn hệ thống miễn dịch sau khi cấy ghép. Các tế bào miễn dịch của người cho có thể tấn công một số cơ quan, thường là da, đường tiêu hóa và gan. Điều này có thể thay đổi cách các cơ quan hoạt động và tăng cơ hội nhiễm trùng.

Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi ghép dị ghép để ngăn ngừa hoặc điều trị hiện tượng bệnh ghép chống chủ.

Bệnh ghép chống chủ cấp tính

Bệnh ghép chống chủ cấp tính có thể xảy ra 10 đến 90 ngày sau khi cấy ghép,  thời gian trung bình là khoảng 25 ngày.

Khoảng 1/3 đến 1/2  số người được ghép dị ghép sẽ gặp bệnh ghép chống chủ cấp tính. Nó ít phổ biến hơn ở những bệnh nhân trẻ tuổi và ở những người cho – nhận có sự liên quan gần gũi hơn.

Dấu hiệu đầu tiên thường là phát ban, nóng rát và đỏ da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Điều này có thể lan rộng trên toàn bộ cơ thể. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Co thắt dạ dày
  • Tiêu chảy (phân lỏng nhiều nước và đôi khi có máu)
  • Ăn mất ngon
  • Vàng da và mắt (vàng da)
  • Đau bụng
  • Giảm cân

Hầu hết các trường hợp là nhẹ và có thể được điều trị. Một số trường hợp bệnh ghép chống chủ cấp tính có thể dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ cố gắng ngăn ngừa bệnh ghép chống chủ cấp tính bằng cách cho bệnh nhân một số thuốc, chẳng hạn như steroid, một số kháng thể đơn dòng, methotrexate, cyclosporine và tacrolimus để làm giảm đáp ứng miễn dịch. Thông thường bệnh nhân sẽ được sử dụng các thuốc này trước khi hiện tượng bệnh ghép chống chủ cấp tính xảy ra và có thể giúp ngăn ngừa.

Nguy cơ mắc bệnh ghép chống chủ cấp tính cũng có thể được hạ thấp bằng cách loại bỏ một loại tế bào miễn dịch nhất định, gọi là tế bào T, khỏi tế bào gốc của người cho trước khi ghép. Nhưng điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus, tái phát bệnh bạch cầu và ghép thất bại (sẽ được đề cập ở phần sau). Các nhà nghiên cứu đang xem xét các cách mới để loại bỏ chỉ một số tế bào nhất định, được gọi là tế bào T đã được khử, từ các tế bào gốc của người cho. Điều này sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ghép chống chủ và vẫn để các tế bào T của người cho tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Ngăn ngừa và quản lý bệnh ghép chống chủ là những ưu tiên chính cho nghiên cứu.

Bệnh ghép chống chủ mạn tính

Bệnh ghép chống chủ mạn tính có thể bắt đầu bất cứ khi nào trong khoảng từ 90 đến 600 ngày sau khi ghép tế bào gốc. Phát ban ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân thường là dấu hiệu sớm nhất. Phát ban có thể lan rộng và thường ngứa, khô. Trong trường hợp nghiêm trọng, da có thể bị phồng rộp và bong tróc, giống như bị cháy nắng. Sốt cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng khác của bệnh ghép chống chủ mạn tính có thể bao gồm:

  • Giảm sự thèm ăn
  • Bệnh tiêu chảy
  • Chuột rút
  • Giảm cân
  • Vàng da và mắt (vàng da)
  • Gan to
  • Bụng chướng bụng
  • Đau vùng gan
  • Tăng nồng độ men gan trong máu
  • Da căng
  • Khô mắt
  • Đau, khô hoặc lở loét trong miệng
  • Cảm giác nóng rát khi ăn thực phẩm có tính axit
  • Nhiễm khuẩn
  • Tắc nghẽn phế quản

Bệnh ghép chống chủ mạn tính được điều trị bằng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, giống như những thuốc được sử dụng cho bệnh ghép chống chủ cấp tính. Những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hầu hết bệnh nhân bị bệnh ghép chống chủ mạn tính có thể ngừng thuốc ức chế miễn dịch sau khi các triệu chứng của họ được cải thiện.

Bệnh tắc tĩnh mạch (VOD)

Bệnh tắc tĩnh mạch (VOD) là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì các tĩnh mạch nhỏ và các mạch máu khác trong gan bị tắc nghẽn. Nó không phổ biến và nó chỉ xảy ra ở những người cấy ghép dị ghép.

Nó có thể phát triển trong vài tuần đầu sau khi ghép tế bào gốc và có thể dẫn đến tổn thương gan.

Các triệu chứng bao gồm vàng da, đau gan và tích tụ dịch trong bụng.

Thuốc có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị VOD.

VOD phổ biến hơn ở những người lớn tuổi có vấn đề về gan trước khi cấy ghép và ở những người bị bệnh ghép chống chủ cấp tính. Nó bắt đầu với các triệu chứng như: da và mắt màu vàng, nước tiểu sẫm màu, đau vùng gan và tăng cân nhanh chóng (chủ yếu là từ chất lỏng tích tụ trong bụng). Đôi khi nó có thể dẫn đến suy gan và tử vong.

Ghép thất bại

Ghép thất bại xảy ra khi cơ thể không chấp nhận các tế bào gốc mới. Các tế bào gốc mới không đi vào tủy xương và không được nhân lên. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu các tế bào gốc không đủ để sử dụng, các tế bào gốc mới bị hư hỏng trong quá trình lưu trữ hoặc tủy xương tổn thương sau khi ghép.

Những người có ít sự chuẩn bị cho phẫu thuật cấy ghép sẽ dễ gặp thất bại. Những người nhận được tế bào từ những người cho kém phù hợp cũng có nhiều khả năng ghép thất bại.

Ghép thất bại có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng hoặc cả hai. Nghi ngờ ghép thất bại ở những bệnh nhân có số lượng tế bào gốc không bắt đầu tăng lên trong vòng 3 đến 4 tuần sau khi ghép tủy xương hoặc cấy máu ngoại biên, hoặc trong vòng 7 tuần sau khi ghép máu dây rốn.

Ung thư tái phát

Mục tiêu của cấy ghép tế bào gốc trong ung thư là kéo dài sự sống và thậm chí chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng trong một số trường hợp, ung thư trở lại (tái phát). Tái phát có thể xảy ra một vài tháng đến một vài năm sau khi cấy ghép. Hiếm khi xảy ra sau 5 năm hoặc nhiều năm sau khi cấy ghép.

Điều này xảy ra thường xuyên hơn ở những người sử dụng các tế bào gốc của chính mình so với người được cấy ghép dị ghép.

Sự khác biệt này là do các tế bào gốc từ người cho nhận ra các tế bào ung thư mới là vật lạ và tiêu diệt chúng. Tình trạng này có tên là hiệu ứng mảnh ghép chống lại khối u. Còn tế bào gốc của chính bệnh nhân thì không xem các tế bào ung thư mới là vật lạ, cho phép các tế bào ung thư phát triển và nhân lên.

Bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp miễn dịch để giúp ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh ung thư ở những người đã ghép tế bào gốc. Điều trị này kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư. Sau khi tái phát, các lựa chọn điều trị thường khá hạn chế.

Vấn đề về da và tóc

Liệu pháp điều trị được đưa ra trước khi cấy ghép và hiện tượng bệnh ghép chống chủ có thể gây ra các vấn đề về da. Tác dụng phụ này là phổ biến khi một số loại thuốc hóa trị và chiếu xạ toàn thân được sử dụng. Các vấn đề về da bao gồm phát ban, ngứa, phồng rộp và bong tróc da. Có thể sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ và các loại thuốc khác để giảm các vấn đề về da.

Rụng tóc cũng có thể xảy ra sau khi điều trị trước khi cấy ghép. Rụng tóc hiếm khi kéo dài vĩnh viễn. Tóc thường phát triển trở lại trong vòng 3 đến 6 tháng sau khi cấy ghép.

Vấn đề về thận

Các vấn đề về thận có thể xảy ra khi thận bị tổn thương bởi các loại thuốc hóa trị được sử dụng trước khi cấy ghép hoặc do liệu pháp kháng sinh hoặc do thuốc ức chế miễn dịch. Đôi khi các vấn đề về thận trở nên nghiêm trọng đến mức có thể dẫn đến suy thận.

Để ngăn ngừa các vấn đề về thận sau khi cấy ghép hoặc điều trị các vấn đề về thận xảy ra, bác sĩ có thể hạn chế lượng nước uống vào và thay đổi một số loại thuốc của bệnh nhân. Lượng nước tiểu hàng ngày sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Vấn đề tim mạch

Các vấn đề về tim không phổ biến sau khi ghép tế bào gốc nhưng chúng có thể xảy ra. Một số loại thuốc hóa trị được sử dụng trước khi ghép có thể khiến tim không hoạt động tốt. Chúng cũng có thể khiến màng xung quanh tim bị viêm (gọi là viêm màng ngoài tim).

Vấn đề hệ thống thần kinh trung ương (CNS)

Hệ thống thần kinh trung ương (CNS) được tạo thành từ não và tủy sống. Mô não có thể bị tổn thương do phương pháp điều trị chiếu xạ trước khi ghép tế bào gốc, do bệnh ghép chống chủ mạn tính, do nhiễm trùng hoặc do ung thư tái phát.

Các vấn đề về CNS có thể phát triển vài tháng hoặc nhiều năm sau khi ghép tế bào gốc. Các vấn đề về CNS bao gồm:

  • Buồn ngủ
  • Kém tập trung
  • Vấn đề về trí nhớ
  • Vấn đề học tập
  • Nhầm lẫn và mất phương hướng
  • Mất thăng bằng và khả năng điều khiển phương tiện.

Nếu có thể, hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ điều trị và bác sĩ chuyên khoa thần kinh về các vấn đề này.

Những vấn đề về mắt

Các vấn đề về mắt thường phát triển sau một năm ghép tế bào gốc, nhưng chúng cũng có thể xảy ra vài năm sau đó. Các vấn đề về mắt có thể xảy ra nếu chiếu xạ toàn bộ cơ thể trước khi ghép tế bào gốc. Hóa trị và điều trị bằng thuốc steroid cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về mắt.

Vấn đề về mắt phổ biến nhất là đục thủy tinh thể gây giảm thị lực. Người bênh sẽ được khuyến cáo kiểm tra mắt thường xuyên. Đục thủy tinh thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.

Một vấn đề về mắt khác là bệnh ghép chống chủ ở mắt. Nó gây khô mắt với cảm giác khó chịu hoặc cảm giác như có cát bay vào mắt. Vấn đề này được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt để tạo sự thoải mái và giúp mắt tiết ra nước mắt. Người bệnh cũng có thể được cho thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Vấn đề về bàng quang

Các vấn đề về bàng quang có thể xảy với các biểu hiện: đi tiểu thường xuyên, có máu trong nước tiểu và co thắt bàng quang. Thuốc ức chế miễn dịch có thể gây nhiễm trùng bàng quang tái phát. Bệnh nhân nên uống thêm nhiều nước, dùng thuốc để làm giảm co thắt và điều trị nhiễm trùng.

Các vấn đề về tuyến giáp

Nguy cơ phát triển các vấn đề về tuyến giáp là khá cao khi chiếu xạ toàn bộ cơ thể trước khi ghép tế bào gốc. Suy giáp là vấn đề về tuyến giáp phổ biến nhất. Tuyến giáp không tạo ra đủ hormone tuyến giáp. Các triệu chứng của suy giáp bao gồm mệt mỏi, tăng cân, rụng tóc, móng giòn, da khô và cảm thấy lạnh.

Đối với người lớn, chức năng tuyến giáp có thể được kiểm tra hàng năm sau khi ghép tế bào gốc. Có thể sử dụng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp nếu tuyến giáp không tạo ra đủ hormone tuyến giáp.

Nếu trẻ em không có đủ hormone tuyến giáp, sẽ bị chậm phát triển thể chất và tinh thần. Nó thường phát triển một vài năm sau khi điều trị và có thể trở thành một vấn đề lâu dài. Chức năng tuyến giáp sẽ được kiểm tra thường xuyên. Một số trẻ có thể cần hormone tuyến giáp thay thế mỗi ngày để điều chỉnh chức năng tuyến giáp.

Vấn đề về phát triển

Ở trẻ em, chiếu xạ toàn bộ cơ thể có thể gây ra sự chậm phát triển và tăng trưởng. Nồng độ hormone tăng trưởng thấp sẽ dẫn đến chiều cao thấp hơn, chân tay ngắn hơn và phát triển thể chất kém hơn. Thuốc steroid và bệnh ghép chống chủ cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Điều trị bằng hormone tăng trưởng có thể cần thiết trong vấn đề này.

Vấn đề sinh sản

Vấn đề sinh sản có thể xảy ra do hóa trị hoặc xạ trị được sử dụng trước khi ghép tế bào gốc. Khi các cơ quan sinh sản (tuyến sinh dục) ngừng hoạt động, nó được gọi là rối loạn chức năng tuyến sinh dục.

Trẻ em được điều trị, đặc biệt là những trẻ gần hoặc trong giai đoạn dậy thì, có khả năng bị rối loạn chức năng tuyến sinh dục lâu dài hoặc vĩnh viễn, được gọi là suy tuyến sinh dục. Trẻ được điều trị trước tuổi dậy thì có ít vấn đề về cơ quan sinh sản và khả năng sinh sản.

Hầu hết phụ nữ được ghép tế bào gốc sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh do điều trị. Đàn ông và phụ nữ có thể lấy lại chức năng và khả năng sinh sản của tuyến sinh dục, nhưng rối loạn chức năng tuyến sinh dục có thể trở thành vĩnh viễn và gây vô sinh.

Liệu pháp thay thế hormone có thể được sử dụng để điều trị rối loạn chức năng tuyến sinh dục.

Phụ nữ có thể chọn đóng băng và lưu trữ trứng đã thụ tinh (phôi) để được cấy ghép sau khi cấy ghép tế bào gốc và phục hồi sức khỏe. Đàn ông có thể chọn đóng băng và lưu trữ tinh trùng để sử dụng trong tương lai.

Một số điều cần biết khi điều trị bằng tế bào gốc

Chi phí

Việc cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp điều trị khá phức tạp, đòi hỏi thiết bị và công nghệ cao nên chi phí thường rất mắc. Thường thì các hãng bảo hiểm chỉ chi trả một phần nào đó trong quá trình điều trị trên một số loại ung thư nhất định. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về chi phí điều trị cụ thể nơi sẽ điều trị trước khi bắt đầu.

Thời gian

Một quá trình điều trị bằng tế bào gốc có thể mất vài tháng. Quá trình điều trị thường được bắt đầu bằng điều trị hóa trị hoặc xạ trị liều cao hoặc thậm chí kết hợp cả hai trong vài tuần. Sau đó bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi vài ngày và được truyền tế bào gốc qua tĩnh mạch. Việc truyền tế bào gốc qua tĩnh mạch cũng giống như truyền máu thông thường và mất khoảng từ 1 đến 5 tiếng đồng hồ.

Sau khi người bệnh nhận được tế bào gốc thì cơ thể sẽ bắt đầu được phục hồi. Cần có thời gian để các tế bào gốc bắt đầu tạo các tế bào tạo máu. Thậm chí sau khi số lượng tế bào máu đã trở nên bình thường nhưng hoạt động của hệ miễn dịch cần nhiều thời gian hơn để phục hồi hoàn toàn. Thường thì mất khoảng vài tháng cho tế bào gốc phục hồi hoàn toàn trong phương pháp tự ghép (Autologous), trong khi đó mất khoảng vài năm cho phương pháp dị ghép (Allogeneic) hoặc đồng ghép (Syngeneic).

Ăn uống

Thường thì khi phải điều trị bằng hóa/xạ trị với cường độ cao sẽ gây ra một số phản ứng phụ như đau cổ, muốn ói dẫn đến chán ăn. Nếu cảm thấy khó ăn trong thời gian điều trị thì nên nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn những cách ăn uống thích hợp hơn.

Làm việc

Tùy thuộc vào loại công việc mà người bệnh đang làm, đôi khi người bệnh vẫn có thể làm việc trong quá trình điều trị nhưng tránh làm những việc nặng hoặc quá sức vì trong quá trình này cơ thể sẽ rất yếu. Trong một số loại công việc, người bệnh có thể tìm cách làm việc qua mạng để cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn và có thể ở gần nơi điều trị hơn.

Kết luận

Với trình độ công nghệ khoa học hiện nay, sử dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư vẫn còn đóng vai trò hỗ trợ trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị vẫn đóng vai trò chính để loại trừ tối đa tế bào ung thư có thể và tế bào gốc (tế bào gốc tạo máu) được cấy ghép sau đó sẽ giúp hồi phục lại các loại máu trong cơ thể (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu).

Tế bào bạch cầu mà tế bào gốc được cấy ghép sản sinh ra trong cơ thể người bệnh “có thể” (không phải 100% tất cả các trường hợp) giúp tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư còn sót lại và ngăn chặn sự phát triển trở lại của khối u giúp quá trình điều trị thành công tốt đẹp.

Tuy nhiên, cũng có một số khả năng xảy ra sự không tương hợp giữa người bệnh và tế bào gốc được cho làm quá trình điều trị bằng tế bào gốc không hiệu quả hoặc gây nguy hiểm cho người bệnh.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment