Trong các bệnh ung thư, ung thư da là phổ biến nhất và biểu hiện bệnh qua các khối u ở da. Như chúng ta đã biết, da là bộ phận lớn nhất trên cơ thể người, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và các loại virus. Hai yếu tố trên khiến da có nguy cơ mắc ung thư cao.
Đối với người da trắng sống ở vùng Bắc Âu làm việc trong khu vực cận nhiệt đới (cũng như người Châu Âu sống và làm việc tại Việt Nam) về mặt di truyền học da họ không được cấu tạo để tiếp xúc với bức xạ cao nên đặc biệt có nguy cơ cao bị ung thư da.
Mục lục
- Ung thư da là gì?
- Các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân của ung thư da
- Các triệu chứng của ung thư da
- Các xét nghiệm giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư da
- Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng và lựa chọn điều trị
- Xét nghiệm giúp xác định giai đoạn ung thư da
- Các giai đoạn của ung thư da
- Điều trị ung thư da
- Điều trị ung thư da theo giai đoạn
- Sàng lọc ung thư da
- Phòng ngừa ung thư da
Ung thư da là gì?
Ung thư da là một bệnh trong đó các tế bào ác tính hình thành trong các mô của da.
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể. Da có tác dụng bảo vệ chống lại nhiệt, ánh sáng mặt trời, chấn thương và nhiễm trùng. Da cũng giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể và dự trữ nước, chất béo và vitamin D. Da có nhiều lớp, nhưng hai lớp chính là lớp biểu bì (lớp trên hoặc còn gọi là lớp ngoài) và lớp hạ bì (lớp dưới hoặc lớp trong).
Ung thư da bắt đầu trong lớp biểu bì, được tạo thành từ ba loại tế bào:
- Tế bào vảy: Các tế bào mỏng, phẳng tạo thành lớp trên cùng của lớp biểu bì.
- Tế bào đáy: Các tế bào tròn dưới các tế bào vảy.
- Melanocytes: Các tế bào tạo ra melanin ở phần dưới của lớp biểu bì. Melanin là sắc tố mang lại cho làn da màu sắc tự nhiên. Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, melanocytes tạo ra nhiều sắc tố hơn và khiến da bị xạm đen.
Ung thư da có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhưng nó phổ biến nhất ở vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, như mặt, cổ và tay.
Các loại ung thư khác nhau bắt đầu trong da. Có ba loại chính của ung thư da là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố.
Ung thư da có thể hình thành trong các tế bào đáy hoặc tế bào vảy. Ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy là những loại ung thư da phổ biến nhất. Chúng cũng được gọi là ung thư da nonmelanoma.
Ung thư tế bào hắc tố ít gặp hơn ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy. Nó có nhiều khả năng xâm lấn các mô gần đó và lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Dày sừng ánh sáng (hay còn gọi là dày sừng quang hóa – Actinic Keratosis) là 1 sang thương da gây ra bởi tia tử ngoại mà có thể tiến triển đến ung thư tế bào đáy. Đây là những sang thương thường gặp nhất ở da và chúng có khả năng tiến triển thành ác tính. Dày sừng ánh sáng được thấy ở những người có màu da sáng, ở trên vùng da phơi bày ánh nắng lâu dài. Úc, 1 đất nước mà có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới, dày sừng ánh sáng phổ biến trong số tuổi >40 đã được báo cáo là có tỷ lệ từ 40-60%.
Dày sừng ánh sáng có thể diễn tiến theo 1 trong 3 con đường : nó có thể thoái hóa, nó có thể tiếp tục không thay đổi hoặc là nó sẽ tiến tới ung thư biểu mô tế bào vảy. Thực tế là tỷ lệ dẫn đến ung thư biểu mô tế bào đáy là chưa biết và ước lượng có thể thay đổi từ 0,1% đến 10%. Một dữ liệu cho rằng dày sừng ánh sáng cũng tiến thành ung thư biểu mô tế bào đáy .
Bài viết này đề cập tới ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da.
Các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân của ung thư da
Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn được gọi là yếu tố nguy cơ hay yếu tố rủi ro. Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; không có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có nguy cơ ung thư da.
Hầu như tất cả các loại ung thư da là kết quả của việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím thường có trong ánh sáng mặt trời và ánh sáng dùng trong các phòng tắm nắng.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da bao gồm:
Tia cực tím (tia UV)
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da. Trong ánh nắng mặt trời có tia cực tím A và tia cực tím B (tia UVA và UVB) gây tổn thương da. Điều này dẫn đến việc xuất hiện những nếp nhăn sớm, bị ung thư da cũng như các vấn đề về da khác. Tia UV thường xuất hiện khi có nắng mặt trời và có cường độ mạnh từ 10-16h. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian trên thì có nguy cơ cao mắc ung thư da, ngay cả khi bạn không bị cháy nắng (rám da). Da rám nắng là biểu hiện cho việc cơ thể đang cố gắng tự bảo vệ mình khỏi những tia có hại từ mặt trời.
Một nguồn UV khác là các phòng tắm nắng. Người quản lí các cơ sở này có thể cho rằng tia UVA mà họ sử dụng là vô hại, nhưng trên thực tế cả hai tia UVA và UVB đều gây tổn thương da. Trong khi tia UVA mất nhiều thời gian để làm tổn thương da hơn so với tia UVB, nó lại đi sâu vào da hơn tia UVB.
Do di truyền
Nếu trong gia đình có bố mẹ mắc ung thư da thì khả năng con cái cũng dễ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Tác động từ môi trường sống
Những người sống gần các mỏ khoáng sản hoặc các nhà máy hóa chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người sống ở các khu vực khác.
Có những vùng da bị tổn thương
Những vùng da bị tổn thương do bỏng, tai nạn hoặc viêm nhiễm da lâu ngày… sẽ có nguy cơ xuất hiện ung thư da hơn các vị trí da khác. Lý do là bởi quá trình tái tạo lớp biểu bì của da bị ảnh hưởng, chức năng bảo vệ cơ thể của da kém hơn.
Vết thương tiền ung thư da
Các vết thương tiền ung thư da như dày sừng quang hóa có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da. Các vết thương này thường phát triển thành các vảy thô ráp có màu sắc dao động từ nâu sẫm đến màu hồng. Các vảy này thường xuất hiện trên mặt, cánh tay dưới và bàn tay của những người bị cháy nắn
Chủng tộc
Những người có da trắng, tóc sáng màu dễ mắc bệnh hơn người có làn da và tóc tối màu. Ít sắc tố (melanin) trong da sẽ khiến da ít được bảo vệ khỏi tia UV gây hại. Nếu bạn tóc vàng hoặc tóc đỏ, mắt màu sáng và có tàn nhang hoặc dễ bị cháy nắng, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư da hơn người có làn da sẫm màu hơn. Mặc dù vậy, mọi màu da đều có thể bị ung thư da.
Lạm dụng mỹ phẩm
Trong các loại mỹ phẩm chứa hàm lượng lớn những chất tiềm ẩn ung thư. Nếu sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng là nguyên nhân gây bệnh ung thư da.
Môi trường làm việc
Những người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất như công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, xưởng luyện kim, xưởng nhuộm… sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư da.
Hệ thống miễn dịch suy yếu
Những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ phát triển ung thư da. Bao gồm những người mắc HIV / AIDS hoặc bệnh bạch cầu và dùng các thuốc ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng.
Tiền sử bị cháy nắng
Tiền sử bị cháy nắng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da ở người lớn. Cháy nắng ở tuổi trưởng thành cũng là một yếu tố nguy cơ
Tiền sử cá nhân đã mắc ung thư da.
Đã điều trị bằng xạ trị
Tuổi cao
Đây là yếu tố nguy cơ chính của hầu hết các bệnh ung thư. Cơ hội bị ung thư tăng lên khi bạn già đi.
Các triệu chứng của ung thư da
Không phải tất cả các thay đổi trên da đều là dấu hiệu hay triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy. Các dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da bao gồm:
- Vết loét lâu liền hoặc rớm máu
- Vùng da bị bệnh có dấu hiệu biến đổi dày sừng, chảy máu
- Loét hoặc nổi cục ở sẹo cũ mảng da đỏ mạn tính có loét nông
- Các khối u dưới da phát triển rất nhanh
- Nốt ruồi bẩm sinh phát triển nhanh, chuyển màu, bề mặt từ nhẵn chuyển sang gồ ghề, bờ nham nhở, có vảy hoặc loét, dễ chảy máu
- Có thể sờ thấy hạch
- Nổi mụn không hết ở vùng da tiếp xúc với nắng
- Xuất hiện vết bầm tím ở bàn chân không khỏi
- Các vệt màu nâu hoặc đen dưới móng tay hoặc móng chân.
Ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da xảy ra nhiều nhất ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, như mặt, cổ, tay.
Các dấu hiệu của dày sừng ánh sáng bao gồm:
- Một mảng sần sùi, đỏ, hồng hoặc nâu, có vảy trên da, bằng phẳng hoặc lồi lên
- Nứt hoặc bong tróc môi dưới
Dày sừng ánh sáng xuất hiện phổ biến nhất ở mặt hoặc mu bàn tay.
Các xét nghiệm giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư da
Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như cục u hoặc bất cứ điều gì khác có vẻ bất thường. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật, phương pháp điều trị đã sử dụng, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, tiền sử bệnh tật gia đình và xung quanh.
Sau đó bác sĩ sẽ khám da: Kiểm tra trên bề mặt da những vết sưng hoặc đốm trông bất thường về màu sắc, kích thước, hình dạng hoặc kết cấu.
Sinh thiết da
Một phần hoặc tất cả vùng bất thường được cắt ra khỏi da và được quan sát dưới kính hiển vi bởi bác sĩ giải phẫu bệnh để kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Các loại sinh thiết da chính:
Cạo sinh thiết
với phương pháp này bác sĩ sử dụng một công cụ giống như dao cạo để loại bỏ một phần nhỏ của các lớp trên cùng có vấn đề của da, lớp biểu bì và phần hạ bì. Độ sâu của vết cạo thay đổi tuỳ thuộc vào sinh thiết và vùng da cần sinh thiết. Cạo sinh thiết có thể gây ra chảy máu.
Sinh thiết cắt bỏ
Đó là phương pháp bác sĩ sử dụng một con dao nhỏ để loại bỏ toàn bộ khối u hoặc một khu vực bị ung thư da, bao gồm cả một phần của làn da bình thường hoặc thông qua các lớp mỡ của da. Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ chỗ lấy sinh thiết, bệnh nhân cps cảm giác nóng trong da trong vài giây, sau đó nơi sinh thiết tê và bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu trong sinh thiết da.
Sinh thiết bấm
Là phương pháp bác sĩ sử dụng một công cụ để lấy một phần da nhỏ bao gồm các lớp sâu hơn, lớp biểu bì, hạ bì và chất béo trên bề mặt da.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng và lựa chọn điều trị
Các tiên lượng đối với ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào đáy của da phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố sau đây:
- Giai đoạn ung thư.
- Tình trạng ức chế miễn dịch.
- Bệnh nhân có dùng thuốc lá không.
- Thể trạng của bệnh nhân.
Lựa chọn điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Loại ung thư.
- Giai đoạn ung thư, đối với ung thư biểu mô tế bào vảy.
- Kích thước của khối u và phần nào của cơ thể nó đã ảnh hưởng.
- Thể trạng của bệnh nhân.
Xét nghiệm giúp xác định giai đoạn ung thư da
Sau khi ung thư tế bào vảy của da đã được chẩn đoán, các xét nghiệm được thực hiện để tìm hiểu xem các tế bào ung thư đã lan rộng trong da hay đến các bộ phận khác của cơ thể chưa. Quá trình được sử dụng để tìm hiểu xem ung thư đã lan rộng trong da hay đến các bộ phận khác của cơ thể được gọi là xác định giai đoạn. Điều quan trọng là phải biết giai đoạn để lập kế hoạch điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy của da.
Ung thư biểu mô tế bào đáy của da hiếm khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Các xét nghiệm kiểm tra xem ung thư biểu mô tế bào đáy của da có lan rộng hay không thường không cần thiết.
Các xét nghiệm và quy trình sau đây có thể được sử dụng trong việc xác định giai đoạn của ung thư biểm mô tế bào vảy:
CT scan (CAT scan)
Là sử dụng máy tính và máy X-quang để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh này cung cấp thông tin chi tiết hơn so với hình ảnh X-quang thông thường. Chúng có thể cho bác sĩ thấy các mô mềm, mạch máu và xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Một thuốc cản quang có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc nuốt để giúp các cơ quan hoặc mô hiển thị rõ ràng hơn. Phương pháp này cũng được gọi là chụp cắt lớp vi tính.
X-quang ngực
Là phương pháp sử dụng một loại chùm năng lượng có thể đi xuyên qua cơ thể và lên phim, tạo nên hình ảnh về các khu vực bên trong cơ thể.
Chụp PET (chụp cắt lớp phát xạ positron)
Để tìm các tế bào của khối u ác tính trong cơ thể. Một lượng nhỏ glucose được tiêm vào tĩnh mạch. Máy quét PET xoay quanh cơ thể và tái hiện hình ảnh về nơi glucose đang được sử dụng trong cơ thể. Các tế bào khối u ác tính xuất hiện sáng hơn trong hình ảnh vì chúng hoạt động nhiều hơn và chiếm nhiều glucose hơn các tế bào bình thường. Đôi khi quét PET và CT scan được thực hiện cùng một lúc.
Siêu âm
Một phương pháp trong đó sóng âm thanh năng lượng cao (siêu âm) phát ra từ máy đến các mô bên trong, chẳng hạn như các hạch bạch huyết, hoặc các cơ quan và dội âm lại. Dội âm tạo thành hình ảnh của các mô cơ thể hiển thị trên màn hình siêu âm. Siêu âm kiểm tra các hạch bạch huyết có thể được thực hiện đối với ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da.
Sinh thiết hạch bạch huyết
Đối với ung thư biểu mô tế bào vảy của da, các hạch bạch huyết có thể được sinh thiết và kiểm tra xem ung thư có di căn sang hạch chưa.
Có ba cách mà ung thư lây lan trong cơ thể:
- Mô: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách phát triển sang các khu vực lân cận.
- Hệ bạch huyết: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách xâm nhập vào hệ thống bạch huyết. Ung thư di chuyển qua các mạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Máu: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách đi vào máu. Ung thư di chuyển qua các mạch máu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư có thể lây lan từ nơi nó bắt đầu đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi ung thư lan sang một bộ phận khác của cơ thể, nó được gọi là di căn. Các tế bào ung thư tách khỏi nơi chúng bắt đầu (khối u nguyên phát) và đi qua hệ thống bạch huyết hoặc máu.
Các di căn của khối u là cùng một loại ung thư như u nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư da lan đến phổi, các tế bào ung thư trong phổi thực sự là tế bào ung thư da. Bệnh là ung thư da di căn, không phải ung thư phổi.
Các giai đoạn của ung thư da
Giai đoạn ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da phụ thuộc vào nơi ung thư hình thành.
Giai đoạn cho ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của mí mắt khác với giai đoạn ung thư da được tìm thấy trên các khu vực khác của đầu hoặc cổ. Không có hệ thống giai đoạn ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy cho vùng da ngoài khu vực đầu và cổ.
Phẫu thuật để loại bỏ khối u nguyên phát và các hạch bạch huyết bất thường được thực hiện để có thể nghiên cứu các mẫu mô dưới kính hiển vi. Phương pháp này được gọi là giai đoạn bệnh lý. Nếu giai đoạn được xác định trước khi phẫu thuật để loại bỏ khối u, nó được gọi là giai đoạn lâm sàng. Giai đoạn lâm sàng có thể khác với giai đoạn bệnh lý.
Các giai đoạn bệnh lý sau đây được sử dụng cho ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da ở trên đầu hoặc cổ nhưng không phải trên mí mắt:
Giai đoạn 0 (Ung thư da biểu mô tại chỗ)
Tế bào bất thường được thể hiện trong lớp biểu bì.
Trong giai đoạn 0, tế bào bất thường được tìm thấy trong các mô tế bào vảy hoặc lớp tế bào đáy của lớp biểu bì. Các tế bào bất thường có thể trở thành ung thư và lan vào các mô bình thường lân cận. Giai đoạn 0 cũng được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
Giai đoạn I
Ở giai đoạn I, ung thư đã hình thành và khối u nhỏ hơn 2 cm .
Giai đoạn II
Ở giai đoạn II, khối u lớn hơn 2 cm nhưng nhỏ hơn 4 cm.
Giai đoạn III
Trong giai đoạn III, một trong những yếu tố sau đây được tìm thấy:
- Các khối u lớn hơn 4 cm , hoặc ung thư đã lan rộng đến xương, hoặc ung thư đã lan rộng đến các mô bao gồm các dây thần kinh dưới lớp hạ bì. Ung thư cũng có thể đã lan đến một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u, hạch bạch huyết nhỏ hơn 3cm; hoặc là
- Khối u nhỏ hơn 4 cm. Ung thư đã lan đến một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u và hạch này nhỏ hơn 3 cm.
Giai đoạn IV
Trong giai đoạn IV, một trong những yếu tố sau đây được tìm thấy:
Các khối u có bất kỳ kích thước và ung thư có thể lây lan đến xương và xương có tổn thương, hoặc lan đến các mô bao gồm các dây thần kinh dưới lớp hạ bì. Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết như sau:
- Một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u, hạch nhỏ hơn 3cm và ung thư đã lan ra bên ngoài hạch bạch huyết; hoặc là
- Một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u, hạch lớn hơn 3 cm và nhỏ hơn 6 cm và ung thư không lan ra ngoài hạch; hoặc là
- Nhiều hơn một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u, các hạch bị ảnh hưởng nhỏ hơn 6cm và ung thư không lan ra bên ngoài các hạch bạch huyết; hoặc là
- Một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở phía đối diện của cơ thể với khối u hoặc ở cả hai bên của cơ thể, các hạch bị ảnh hưởng nhỏ hơn 6 cm và ung thư không lan ra bên ngoài các hạch bạch huyết.
Khối u có kích thước bất kỳ và ung thư có thể đã lan đến các mô bao phủ các dây thần kinh bên dưới lớp hạ bì hoặc dưới mô dưới da hoặc đến tủy xương hoặc xương, bao gồm cả đáy sọ. Và:
- Ung thư đã lan đến một hạch lớn hơn 6 cm và ung thư không lan ra ngoài hạch; hoặc là
- Ung thư đã lan đến một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u, hạch bị ảnh hưởng lớn hơn 3 cm và ung thư đã lan ra bên ngoài hạch bạch huyết; hoặc là
- Ung thư đã lan đến một hạch bạch huyết ở phía đối diện của cơ thể với khối u, hạch bị ảnh hưởng có kích thước bất kỳ và ung thư đã lan ra bên ngoài hạch bạch huyết; hoặc là
- Ung thư đã lan đến nhiều hơn một hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên của cơ thể và ung thư đã lan ra bên ngoài các hạch bạch huyết.
Khối u có kích thước bất kỳ và ung thư đã di căn đến tủy xương hoặc xương, bao gồm cả đáy hộp sọ và xương đã bị tổn thương. Ung thư cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết; hoặc là
- Ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi.
Các giai đoạn sau đây được sử dụng cho ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da trên mí mắt:
Giai đoạn 0 (Ung thư biểu mô tại chỗ)
Ở giai đoạn 0, các tế bào bất thường được tìm thấy trong lớp biểu bì, thường là ở lớp tế bào đáy. Những tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư và lan vào các mô bình thường gần đó. Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
Giai đoạn I
Ở giai đoạn I , ung thư đã hình thành. Giai đoạn I được chia thành giai đoạn IA và IB.
- Giai đoạn IA: Khối u có kích thước nhỏ hơn 10 mm và có thể đã lan ra rìa của mí mắt nơi có lông mi, đến mô liên kết ở mí mắt, hoặc đến toàn bộ chiều dày của mí mắt.
- Giai đoạn IB: Khối u lớn hơn 10 milimet và nhỏ hơn 20 milimet, khối u chưa lan ra rìa mí mắt nơi có lông mi, hoặc đến mô liên kết ở mí mắt.
Giai đoạn II
Giai đoạn II được chia thành giai đoạn IIA và IIB.
Trong giai đoạn IIA, một trong những yếu tố sau đây được tìm thấy:
- Các khối u lớn hơn 10 mm và nhỏ hơn 20 mm và đã lan rộng đến các cạnh của mí nơi có lông mi, đến các mô liên kết trong mí mắt, hoặc toàn bộ chiều dày mí; hoặc là
- Khối u lớn hơn 20 milimet và nhỏ hơn 30 milimet và có thể đã lan ra rìa của mí mắt nơi có lông mi, đến mô liên kết ở mí mắt, hoặc đến toàn bộ chiều dày của mí mắt.
Ở giai đoạn IIB, khối u có thể có kích thước bất kỳ và đã lan đến mắt, hốc mắt, xoang, ống dẫn nước mắt hoặc não hoặc đến các mô nâng đỡ mắt.
Giai đoạn III
Giai đoạn III được chia thành giai đoạn IIIA và IIIB.
- Giai đoạn IIIA: Khối u có thể có kích thước bất kỳ và có thể đã lan ra rìa của mí mắt nơi có lông mi, đến mô liên kết trong mí mắt, hoặc đến toàn bộ chiều dày của mí mắt, hoặc đến mắt, hốc mắt, xoang, ống dẫn nước mắt, não, hoặc đến các mô nâng đỡ mắt. Ung thư đã lan đến một hạch bạch huyết ở cùng một bên của cơ thể với khối u và hạch này nhỏ hơn 3 cm .
- Giai đoạn IIIB: Khối u có thể có kích thước bất kỳ và có thể đã lan ra rìa của mí mắt nơi có lông mi, đến mô liên kết trong mí mắt, hoặc đến độ dày đầy đủ của mí mắt, hoặc đến mắt, hốc mắt, xoang , ống dẫn nước mắt, hoặc não, hoặc đến các mô nâng đỡ mắt. Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết như sau:
- một hạch bạch huyết ở cùng phía của cơ thể với khối u và hạch lớn hơn 3 cm; hoặc là
- nhiều hơn một hạch bạch huyết ở phía đối diện của cơ thể là khối u hoặc ở cả hai bên của cơ thể.
Giai đoạn IV
Ở giai đoạn IV , khối u đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc gan.
Điều trị ung thư da
Điều trị tùy thuộc vào loại ung thư:
Ung thư biểu mô tế bào đáy
Ung thư biểu mô tế bào đáy là loại ung thư da phổ biến nhất . Nó thường xảy ra trên các khu vực của da tiếp xúc nhiều với nắng, thường là mũi. Thường thì ung thư này xuất hiện dưới dạng một vết phẳng, màu trắng. Một loại ít phổ biến hơn trông giống như một vết sẹo hoặc phẳng, chắc và có thể có màu vàng. Ung thư biểu mô tế bào đáy có thể lan đến các mô xung quanh ung thư nhưng nó thường không lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư biểu mô tế bào vảy
Ung thư biểu mô tế bào vảy xảy ra trên các vùng da bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như tai, môi dưới và mu bàn tay. Ung thư biểu mô tế bào vảy cũng có thể xuất hiện trên các khu vực của da đã bị cháy nắng hoặc tiếp xúc với hóa chất hoặc phóng xạ. Thường thì ung thư này trông giống như một vết sưng đỏ. Các khối u này có vảy, chảy máu, hoặc có 1 lớp vỏ mỏng. Các khối u tế bào vảy có thể lan đến các hạch bạch huyết gần đó. Ung thư biểu mô tế bào vảy không lan rộng thường có thể được chữa khỏi .
Có nhiều cách điều trị khác nhau cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy của da và dày sừng ánh sáng.
Các loại điều trị khác nhau có sẵn cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy của da và dày sừng ánh sáng. Một số phương pháp điều trị là tiêu chuẩn (phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng), và một số phương pháp đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm điều trị lâm sàng là một nghiên cứu giúp cải thiện các phương pháp điều trị hiện tại hoặc có được thông tin về các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư. Khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy một phương pháp điều trị mới tốt hơn điều trị tiêu chuẩn, phương pháp điều trị mới có thể trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Bệnh nhân có thể tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng. Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ sử dụng cho những bệnh nhân chưa bắt đầu điều trị.
Các loại điều trị tiêu chuẩn được sử dụng:
Phẫu thuật
Một hoặc nhiều quy trình phẫu thuật sau đây có thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy của da hoặc dày sừng ánh sáng:
- Cắt bỏ đơn giản: Khối u cùng với một số mô bình thường xung quanh nó được cắt ra khỏi da.
- Phẫu thuật vi phẫu Mohs: Khối u được loại bỏ từ các lớp da. Trong quá trình phẫu thuật, các cạnh của khối u và từng lớp khối u được loại bỏ và xem qua kính hiển vi để kiểm tra các tế bào ung thư. Các lớp tiếp tục được loại bỏ cho đến khi không còn thấy các tế bào ung thư. Loại phẫu thuật này giúp hạn chế ảnh hưởng tới các mô bình thường. Phương pháp này thường được sử dụng để loại bỏ ung thư da trên mặt, ngón tay, hoặc bộ phận sinh dục.
- Phương pháp cạo: Khu vực bất thường được cạo ra khỏi bề mặt da bằng một lưỡi dao nhỏ.
- Nạo và đốt điện: Bác sĩ nạo đi lớp tế bào ung thư bằng cách sử dụng một lưỡi tròn (curet), một kim điện tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn lại còn sót lại quanh rìa vết thương và ngăn chặn chảy máu. Phương pháp đơn giản nhanh chóng, được phổ biến trong điều trị ung thư tế bào đáy mỏng hoặc nhỏ. Quá trình này có thể được lặp lại một đến ba lần trong khi phẫu thuật để loại bỏ tất cả các tế bào ung thư. Loại điều trị này còn được gọi là phẫu thuật điện.
- Phẫu thuật lạnh: Một phương pháp điều trị sử dụng một dụng cụ để đóng băng và phá hủy các mô bất thường, chẳng hạn như ung thư biểu mô tại chỗ. Loại điều trị này còn được gọi là liệu pháp áp lạnh.
- Phẫu thuật laser: là phẫu thuật sử dụng chùm tia laser (một chùm ánh sáng cực mạnh) như một con dao để tạo ra những vết cắt mà không làm chảy máu trong mô hoặc để loại bỏ một tổn thương bề mặt như khối u.
- Mài mòn da: Loại bỏ lớp trên cùng của da bằng cách sử dụng một “bánh xe” hoặc các hạt nhỏ để chà xát các tế bào da, loại bỏ những vết sẹo nông và các khiếm khuyết trên da.
Cắt bỏ đơn giản, phẫu thuật vi phẫu Mohs, nạo và đốt điện và phẫu thuật lạnh được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da. Phẫu thuật laser hiếm khi được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy. Cắt bỏ đơn giản, phương pháp cạo, mài mòn da và phẫu thuật laser được sử dụng để điều trị dày sừng ánh sáng.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc giữ cho chúng không phát triển. Có hai loại xạ trị:
- Xạ trị bên ngoài sử dụng một máy bên ngoài cơ thể để phát bức xạ về phía ung thư.
- Xạ trị bên trong sử dụng chất phóng xạ bên trong kim, hạt hoặc ống thông được đặt trực tiếp vào hoặc gần ung thư.
Cách thức xạ trị được đưa ra tùy thuộc vào loại ung thư đang được điều trị. Liệu pháp xạ trị bên ngoài được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da.
Hóa trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng hóa chất để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, bằng cách tiêu diệt các tế bào hoặc bằng cách ngăn chặn chúng phân chia. Khi hóa trị được thực hiện bằng tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ, thuốc sẽ xâm nhập vào máu và có thể đến các tế bào ung thư trên toàn cơ thể (hóa trị liệu toàn thân). Khi hóa trị được dùng trực tiếp vào dịch não tủy, một cơ quan hoặc khoang cơ thể như bụng, các loại thuốc chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào ung thư ở những khu vực đó (hóa trị liệu tại chỗ). Cách thức hóa trị được đưa ra tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư đang được điều trị.
Hóa trị cho ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy của da, và dày sừng ánh sáng thường là tại chỗ. Cách hóa trị được đưa ra tùy thuộc vào tình trạng được điều trị. Bôi fluorouracil (5-FU) được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy.
Liệu pháp quang động
Liệu pháp quang động (PDT) là sự kết hợp một chất gọi là chất gây cảm quang (photosensitizer) với một loại ánh sáng thích hợp để diệt các tế bào ung thư. Đó là chất không hoạt động cho đến khi nó tiếp xúc với ánh sáng, được tiêm vào tĩnh mạch hoặc bôi lên da. Chất cản quang hoạt động nhiều trong các tế bào ung thư hơn trong các tế bào bình thường. Đối với ung thư da, ánh sáng laser chiếu vào da và chất cản quang sẽ hoạt động và tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp quang động gây ra ít tổn thương cho các mô khỏe mạnh.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Các chất được tạo ra bởi cơ thể hoặc được sản xuất trong phòng thí nghiệm được sử dụng để tăng cường, định hướng hoặc khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại ung thư. Loại điều trị ung thư này còn được gọi là liệu pháp sinh học hoặc trị liệu sinh học.
Interferon và imiquimod là các loại thuốc trị liệu miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư da. Interferon (bằng cách tiêm) có thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy của da. Liệu pháp imiquimod tại chỗ (một loại kem bôi lên da) có thể được sử dụng để điều trị một số ung thư biểu mô tế bào đáy.
Liệu pháp nhắm đích
Liệu pháp nhắm đích là loại điều trị sử dụng thuốc hoặc các chất khác để tấn công các tế bào ung thư. Các liệu pháp nhắm đích thường gây ra ít tác hại hơn cho các tế bào bình thường so với hóa trị hoặc xạ trị.
Liệu pháp nhắm đíchvới một chất ức chế truyền tín hiệu được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy. Các chất ức chế truyền tín hiệu chặn các tín hiệu được truyền từ phân tử này sang phân tử khác trong tế bào nên có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Vismodegib và sonidegib là những chất ức chế truyền tín hiệu được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy.
Chemical peel
Hay còn được biết đến với tên gọi thay da sinh học hay lột da hóa học. Bác sĩ sẽ sử dụng một số chất hóa học bôi lên da, tùy thuộc vào tình trạng da để chọn các chất hóa học này. Các chất này sẽ hòa tan các lớp tế bào da trên cùng. Phương pháp này có thể được sử dụng để điều trị dày sừng ánh sáng.
Điều trị bằng thuốc khác
Retinoids (thuốc liên quan đến vitamin A ) đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy của da. Diclofenac và ingenol là các loại thuốc bôi được sử dụng để điều trị bệnh dày sừng ánh sáng
Các loại điều trị mới đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng.
Đối với một số bệnh nhân, tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Thử nghiệm lâm sàng là một phần của quá trình nghiên cứu ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để tìm hiểu xem phương pháp điều trị ung thư mới có an toàn và hiệu quả hay tốt hơn so với điều trị chuẩn.
Nhiều phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn ngày nay dựa trên các thử nghiệm lâm sàng trước đó. Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể được điều trị theo tiêu chuẩn hoặc là một trong những người đầu tiên được điều trị theo phương pháp mới.
Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng cũng giúp cải thiện cách điều trị ung thư trong tương lai. Ngay cả khi các thử nghiệm lâm sàng không dẫn đến các phương pháp điều trị mới hiệu quả, vẫn có những thông tin quan trọng sẽ thu nhận được và giúp tiến hành nghiên cứu trong tương lai
Bệnh nhân có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng trước, trong hoặc sau khi bắt đầu điều trị ung thư.
Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chưa được điều trị. Các thử nghiệm khác điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư không đỡ hơn. Cũng có những thử nghiệm lâm sàng thử nghiệm những cách mới để ngăn chặn ung thư tái phát hoặc giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư. Tham gia vào thử nghiệm lâm sàng có thể cho cơ hội để thử các phương pháp điều trị mới nhất, nhưng nó không thể đảm bảo chữa bệnh. Thảo luận về các thử nghiệm lâm sàng có sẵn với bác sĩ và cẩn thận cân nhắc những lợi ích và rủi ro.
Điều trị ung thư da theo giai đoạn
Một số xét nghiệm đã được thực hiện để chẩn đoán ung thư hoặc tìm ra giai đoạn ung thư có thể được lặp lại. Một số xét nghiệm sẽ được lặp lại để xem điều trị có hiệu quả như thế nào. Quyết định về việc có nên tiếp tục, thay đổi hoặc ngừng điều trị có thể dựa trên kết quả của các xét nghiệm này.
Một số xét nghiệm sẽ tiếp tục được thực hiện định kỳ sau khi điều trị kết thúc. Kết quả của các xét nghiệm này có thể cho thấy nếu tình trạng của bệnh nhân đã thay đổi hoặc ung thư đã tái phát. Những xét nghiệm này đôi khi được gọi là xét nghiệm theo dõi hoặc kiểm tra.
Ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy có khả năng tái phát thường trong vòng 5 năm, hoặc có thể hình thành các khối u mới. Trao đổi với bác sĩ về tần suất bạn nên kiểm tra da để phát hiện dấu hiệu ung thư.
Lựa chọn điều trị cho ung thư biểu mô tế bào đáy
Điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy có thể bao gồm:
- Cắt bỏ đơn giản
- Phẫu thuật vi phẫu Mohs
- Xạ trị
- Nạo và đốt điện
- Phẫu thuật lạnh
- Liệu pháp quang động
- Hóa trị tại chỗ
- Liệu pháp miễn dịch tại chỗ ( imiquimod )
- Phẫu thuật laser (hiếm khi được sử dụng).
Điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy di căn hoặc không thể điều trị bằng liệu pháp trên có thể bao gồm các phương pháp:
- Điều trị nhắm đích với một chất ức chế truyền tín hiệu (vismodegib hoặc sonidegib).
- Thử nghiệm lâm sàng của điều trị mới.
Điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy tái phát không di căn có thể bao gồm:
- Cắt bỏ đơn giản
- Phẫu thuật vi phẫu Mohs
Lựa chọn điều trị cho ung thư biểu mô tế bào vảy của da
Điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy khu trú có thể bao gồm:
- Cắt bỏ đơn giản.
- Phẫu thuật vi phẫu Mohs.
- Xạ trị.
- Nạo và đốt điện.
- Phẫu thuật lạnh.
- Liệu pháp quang động đối với ung thư biểu mô tế bào vảy tại chỗ (giai đoạn 0).
Điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy di căn hoặc không thể điều trị bằng liệu pháp tại chỗ có thể bao gồm:
- Hóa trị
- Liệu pháp retinoid và liệu pháp miễn dịch ( interferon )
- Thử nghiệm lâm sàng của điều trị mới
Điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy tái phát không di căn có thể bao gồm những phương pháp sau đây:
- Cắt bỏ đơn giản.
- Phẫu thuật vi phẫu Mohs.
- Xạ trị.
Lựa chọn điều trị cho dày sừng ánh sáng
Dày sừng ánh sáng không phải là ung thư nhưng được điều trị vì nó có thể phát triển thành ung thư. Điều trị dày sừng ánh sáng có thể bao gồm những phương pháp sau đây:
- Hóa trị tại chỗ
- Liệu pháp miễn dịch tại chỗ ( imiquimod )
- Điều trị bằng thuốc khác ( diclofenac hoặc ingenol )
- Chemical peel
- Cắt bỏ đơn giản
- Phương pháp cạo
- Nạo và đốt điện
- Mài mòn da
- Liệu pháp quang động
- Phẫu thuật laser
Sàng lọc ung thư da
Sàng lọc ung thư là tìm kiếm ung thư trước khi có bất kỳ triệu chứng nào.
Xét nghiệm sàng lọc có thể giúp tìm ra ung thư ở giai đoạn đầu , trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khi mô bất thường hoặc ung thư được phát hiện sớm có thể dễ dàng điều trị hoặc chữa khỏi hơn . Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã phát triển và lan rộng. Điều này có thể làm cho ung thư khó điều trị hoặc chữa khỏi.
Điều quan trọng cần nhớ là khi bác sĩ đề nghị kiểm tra sàng lọc điều đó không có nghĩa là bạn bị ung thư. Xét nghiệm sàng lọc được thực hiện khi bạn không có triệu chứng ung thư.
Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc là bất thường, bạn có thể cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm để tìm hiểu xem mình có bị ung thư hay không. Chúng được gọi là xét nghiệm chẩn đoán.
Dưới đây là những cách phát hiện sớm ung thư da mà bạn cần biết để chủ động thăm khám kịp thời (nếu nghi ngờ mắc bệnh).
Quan sát da tìm kiếm những bất thường
Để phát hiện sớm ung thư da, trước tiên chúng ta cần quan sát da hàng ngày để nhận biết sự thay đổi (nếu có). Các vết loét lâu liền hoặc vết loét rớm máu, sự biến đổi dày sừng hoặc thường xuyên chảy máu… cũng cần hết sức cảnh giác vì đó có thể là triệu chứng sớm của bệnh ung thư da.
Theo dõi sự phát triển của nốt ruồi trên da
Nốt ruồi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Nốt ruồi bình thường sẽ có màu sắc nhất định, tương tự và đồng đều nhau trên da. Tuy nhiên khi thấy nốt ruồi không có màu giống với những nốt ruồi khác trên da với kích thước, hình dạng, màu sắc khác nhau thì bạn cần hết sức lưu ý vì có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư da.
Quan sát nốt ruồi sau khi tẩy
Tẩy nốt ruồi là một trong những dịch vụ được nhiều người lựa chọn để loại bỏ những nốt ruồi xuất hiện ở vị trí gây mất thẩm mỹ, ví dụ trên mặt. Thế nhưng không phải nốt ruồi nào cũng có thể tẩy an toàn.
Cần quan sát kỹ nốt ruồi sau khi tẩy bởi nếu nốt ruồi có xu hướng lan rộng hơn so với trước hoặc có cảm giác đau, sưng tấy ở vị trí tẩy nốt ruồi thì bạn cần đi khám ngay.
Không bỏ sót vùng da ít tiếp xúc với nắng
Ung thư da có thể xuất hiện ở cả những vị trí ít tiếp xúc với nắng mặt trời như cổ, tai, nếp kẽ ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, bàn chân… Vì thế để phát hiện sớm ung thư da cần quan sát kỹ toàn bộ cơ thể, không bỏ sót bất cứ vị trí nào.
Nhờ người kiểm tra hộ những vị trí khó nhìn thấy
Những vị trí khó nhìn thấy trên cơ thể như sau gáy, lưng cũng có thể mắc ung thư da nên bạn cần nhờ người thân kiểm tra hộ nếu có bất thường để kịp thời phát hiện bệnh.
Sờ da nhằm phát hiện hạch hoặc khối u
Khi mắc ung thư da người bệnh sẽ thấy xuất hiện những u cục dưới da hoặc hạch nổi trên da. Do đó cách phát hiện ung thư da không thể bỏ qua là việc sờ nắn những vị trí xuất hiện bất thường để chẩn đoán sớm bệnh.
Tới ngay cơ sở y tế để khám
Một trong những cách phát hiện ung thư da là đi khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín. Bạn sẽ được bác sĩ khám toàn thân kỹ lưỡng, kết hợp sử dụng kính hiển vi để quan sát rõ hơn các tổn thương trên da.
Nếu có dấu hiệu không ổn về sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính CT, MRI để chẩn đoán mức độ và tình trạng di căn của bệnh.
Phòng ngừa ung thư da
Phòng ngừa ung thư là hành động được thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bằng cách ngăn ngừa ung thư, số trường hợp ung thư mới được giảm xuống. Hy vọng, điều này sẽ làm giảm số người chết do ung thư.
Để ngăn ngừa ung thư mới bắt đầu, các nhà khoa học xem xét các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ. Bất cứ điều gì làm tăng cơ hội phát triển ung thư của bạn được gọi là yếu tố nguy cơ ung thư; bất cứ điều gì làm giảm cơ hội phát triển ung thư của bạn được gọi là yếu tố bảo vệ ung thư.
Một số yếu tố nguy cơ ung thư có thể tránh được, nhưng nhiều yếu tố không thể. Ví dụ, cả hút thuốc và di truyền gen là các yếu tố nguy cơ đối với một số loại ung thư, nhưng bạn chỉ có thể tránh hút thuốc. Tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh có thể là yếu tố bảo vệ cho một số loại ung thư. Tránh các yếu tố nguy cơ và tăng các yếu tố bảo vệ có thể làm giảm nguy cơ của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.
Các cách để phòng ngừa ung thưa da là:
Tránh ánh nắng mặt trời buổi trưa
Vào buổi trưa, ánh nắng mặt trời gay gắt nhất. Vì vậy bạn nên tránh ra ngoài vào lúc này (từ 11 giờ đến 15 giờ), thậm chí cả khi trời nhiều mây.
Nắng buổi trưa có rất nhiều tia bức xạ UV, những đám mây thường không thể chặn được các tia này. Những tia nắng mặt trời mạnh sẽ làm da bạn bị bỏng, cháy nắng, những tổn thương này qua một thời gian dài sẽ làm tăng khả năng xuất hiện ung thư da.
Luôn luôn dùng kem chống nắng và thoa lại kem thường xuyên
Kem chống nắng không chắn tất cả các bức xạ tia cực tím có hại, đặc biệt là các bức xạ có thể dẫn đến u ác tính. Nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các tổn thương đến da.
Sử dụng kem chống nắng với chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 15. Hãy bôi kem chống nắng lên khắp cơ thể bạn 30 phút trước khi ra ngoài trời nắng, giúp giảm nguy cơ và ngăn ngừa ung thư da đáng kể.
Chỉ số SPF của kem chống nắng là tỷ lệ giữa thời gian bị bỏng khi không dùng kem và khi có dùng. Nếu sử dụng đúng cách, kem chống nắng có SPF 15 sẽ giúp da có thể chịu đựng được dưới trời nắng một khoảng thời gian gấp 15 lần so với khi không dùng kem. Kem chống nắng có SPF 15 có hiệu quả lọc ra khoảng 93% các tia UVB chiếu đến da bạn, còn đối với SPF 30 thì con số này là 97% và SPF 50 là 98%. Những loại SPF cao hơn 15 chỉ nên dùng ở những người dễ bị cháy nắng, những người nhạy cảm với ánh sáng như người bị bệnh lupus, những người dùng thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh sáng, và những người thường xuyên chơi những môn thể thao ngoài trời.
Bạn hãy thoa nhiều kem, và thoa lại sau mỗi hai giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ mồ hôi. Hãy thoa kem ở mọi nơi trên cơ thể bạn có thể tiếp xúc với ánh nắng, bao gồm cả môi, tai, lưng bàn tay và cổ.
Mặc quần áo, vật dụng bảo vệ
Kem chống nắng không bảo vệ da bạn hoàn toàn khỏi tia UV. Vì vậy, bạn nên tăng cường bảo vệ bằng cách mặc quần áo che phủ cả cánh tay và chân, sử dụng mũ rộng vành rộng hơn 6cm để che khuôn mặt bạn khỏi ánh nắng mặt trời.
Bạn nhớ đừng quên đeo kính râm, bạn chọn những loại kính có thể chặn cả hai loại bức xạ là tia UVA và UVB. Kính râm có thể chặn 99−100% tia cực tím từ mặt trời, nó có thể bảo vệ cả 2 mắt và vùng da xung quanh mắt, giúp ngăn ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể hoặc u hắc tố ở mi mắt.
Không nên dùng phòng tắm nắng nhân tạo hoặc các phương pháp điều trị bằng tia cực tím
Đèn sử dụng trong những phòng tắm nắng nhân tạo có thể phát ra tia UV làm tăng nguy cơ ung thư da.
Tránh các loại thuốc làm da nhạy cảm với ánh nắng
Một số loại thuốc, kể cả thuốc kháng sinh, có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời.
Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về các tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào bạn đang sử dụng. Nếu chúng làm tăng độ nhạy cảm da của bạn khi ra ngoài ánh nắng mặt trời, bạn hãy đổi thuốc hoặc cố gắng tránh ra ngoài trong quá trình dùng thuốc.
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên
Theo Tạp chí Da liễu Anh, nếu hệ thống miễn dịch suy yếu thì nguy cơ ung thư da tăng cao. Do vậy, cần tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học (ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn ít thịt đỏ, các loại thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp…) để cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật.
Khám da thường xuyên
Kiểm tra da của bạn thường xuyên để xem có những bất thường gì mới không như nốt ruồi, tàn nhang và vết bớt, giúp phát hiện hoặc ngăn ngừa ung thư da. Bạn có thể tự kiểm tra theo hướng dẫn dưới đây.
Đứng trước một tấm gương dài, kiểm tra làn da của bạn. Bắt đầu từ đầu và mặt, bạn nên sử dụng máy sấy thổi bay tóc để kiểm tra da đầu dễ dàng hơn
- Kiểm tra bàn tay, bao gồm cả móng tay
- Kiểm tra khuỷu tay, cánh tay, nách, thân mình
- Quay lưng về phía gương, sau đó dùng thêm một gương nhỏ cầm tay để quan sát phần lưng và gáy
- Ngồi xuống, kiểm tra chân và bàn chân, bao gồm cả lòng bàn chân, gót chân, ngón chân và móng chân. Bạn có thể sử dụng gương nhỏ cầm tay để kiểm tra bộ phận sinh dục.
Nếu có bất cứ điều gì bất thường, bạn nên báo cho bác sĩ biết ở lần khám gần nhất.