Ung thư

Ung thư thận: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ung thư thận chiếm 90% các loại u ác tính nguyên phát ở thận. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn trên 50 tuổi, với tỉ lệ nam gấp 2 lần so với nữ giới. Ung thư thận chiếm 1-2% toàn bộ các loại ung thư ở người lớn.

Ung thư thận là gì?

ung thư thận

Ung thư thận hay ung thư tế bào thận là một loại bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các ống thận.

Ung thư tế bào thận (ung thư biểu mô tế bào thận) là một bệnh trong đó các tế bào ác tính được tìm thấy trong niêm mạc của ống thận. Thận là hai cơ quan nằm ngay ở trên thắt lưng, mỗi cái nằm một bên xương sống của bạn. Thận là một phần của hệ thống tiết niệu, nhiệm vụ chính của thận là lọc máu và tạo ra nước tiểu để loại bỏ các chất thải của cơ thể. Nước tiểu đi từ mỗi thận qua một ống dài gọi là niệu quản vào bàng quang. Bàng quang giữ nước tiểu cho đến khi nó đi qua niệu đạo và ra ngoài cơ thể.

Ung thư bắt đầu ở niệu quản hoặc bể thận (phần thận thu nước tiểu và dẫn đến niệu quản) khác với ung thư tế bào thận.

Ung thư thận có nhiều dạng, trong đó dạng phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào thận. Chúng chiếm 90-95% các ca ung thư thận nhưng không phổ biến lắm (xảy ra 1/10.000 người mỗi năm). Các dạng khác ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: Chiếm 5-10% các ca ung thư thận.Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp khởi phát từ các tế bào chuyển tiếp ở niêm mạc bể thận
  • Khối u Wilms: Thường xảy ra ở trẻ em và rất hiếm khi xảy ra ở người trưởng thành
  • Sacorma ở thận: Là một dạng hiếm của ung thư thận (chiếm khoảng 1% các ca ung thư thận) và khởi phát từ các mạch máu hoặc mô liên kết của thận.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư thận

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được nguyên nhân của ung thư thận. Tuy nhiên, bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn được gọi là yếu tố nguy cơ hay yếu tố rủi ro. Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; không có các yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình có nhiều yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư tế thận bao gồm:

Hút thuốc lá

Theo kết quả nghiên cứu, những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư thận cao gấp đôi những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, thời gian hút thuốc càng dài thì nguy cơ càng cao. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư thận sẽ giảm xuống khi bỏ hút thuốc.

Béo phì

Béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thận. Trong một số nghiên cứu, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư ở phụ nữ. Một nghiên cứu khác nêu ra rằng thừa cân cũng là một yếu tố nguy cơ cả ở nam giới. Nguyên nhân của mối liên quan này còn chưa được xác định rõ.

Tiếp xúc hóa chất nghề nghiệp

Nghiên cứu cho thấy công nhân lò than cốc trong nhà máy thép có tỷ lệ mắc ung thư thận cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, có một số bằng chứng cho thấy phơi nhiễm amiăng ở nơi làm việc, không những liên quan tới ung thư phổi và ung thư trung mô (là lớp màng bao phủ các tạng bên trong của cơ thể), mà còn làm tăng nguy cơ ung thư thận.

Tia xạ

Những phụ nữ đã được chiếu xạ để điều trị các bệnh ở tử cung có thể tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư thận. Hơn nữa, những người đã tiếp xúc với thorotrast (thori dioxid), một chất phóng xạ được sử dụng từ những năm 1930 trong chụp X-quang chẩn đoán, có tỷ lệ mắc ung thư thận tăng lên. Tuy nhiên, chất này hiện không còn được sử dụng và các nhà khoa học cho rằng chiếu xạ chỉ gây ra một phần trăm rất nhỏ trong tổng số các trường hợp ung thư thận.

Ung thư thận do di truyền

Hầu hết những người bị ảnh hưởng có một dạng bệnh ung thư thận đơn phát hoặc không di truyền. Một dạng di truyền của bệnh ung thư thận thường xảy ra ở những nhóm nhỏ bệnh nhân (ít hơn 5% so với tổng số bệnh nhân) do có những gen bị lỗi. Tình trạng di truyền này gây nên bệnh ung thư thận bao gồm hội chứng Von Hippel-Lindau (VHL), bệnh sơ cứng ống thận, hội chứng Birt-Hogg-Dube, ung thư tế bào trong và tế bào kẽ của thận.

Lạm dụng một số thuốc nhất định

Thuốc giảm đau có chứa phenacetin đã bị cấm ở Hoa Kỳ từ năm 1983 vì liên kết của chúng với ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp. Thuốc lợi tiểu và thuốc giảm đau, như aspirin, acetaminophen và ibuprofen, cũng có liên quan đến ung thư thận

Huyết áp cao

Những người đàn ông bị cao huyết áp có nguy cơ ung thư thận cao hơn người bình thường

Gia đình có tiền sử ung thư thận

Những người có quan hệ họ hàng thứ nhất, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em, hoặc con cái, bị ung thư thận có nguy cơ phát triển bệnh.

Điều trị suy thận

Những người được chạy thận lâu dài để điều trị suy thận mãn tính có nguy cơ phát triển ung thư thận.

Tuổi tác

Hầu hết các trường hợp phát triển ở người trên 60 tuổi. Ở những người dưới 50 tuổi thì hiếm gặp hơn

Triệu chứng của ung thư thận

Các triệu chứng hay dấu hiệu của ung thư tế bào thận bao gồm có máu trong nước tiểu và có khối u ở bụng.

Những dấu hiệu và triệu chứng khác có thể do ung thư thận hoặc bệnh lý khác. Có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng trong giai đoạn đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện khi khối u phát triển. Hãy đi khám ngay nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau đây:

  • Có máu trong nước tiểu: Là triệu chứng thường gặp (80% trường hợp). Đái máu có thể thấy rõ, toàn bãi, không đau, không sốt. Đái máu một cách bất ngờ, bỗng nhiên dừng lại để  rồi tái phát không có nguyên nhân. Trong trường hợp đái máu nhiều, có máu cục, cũng có thể có cơn đau quặn thận..
  • Có một khối u trong ổ bụng: Người có khối u thận có thể sờ thấy khối u phía thắt lưng hoặc vùng bụng trên khoảng 10%. Các khối u hình thành trong thận giai đoạn đầu rất khó sờ thấy, chỉ nhìn thấy các dấu hiệu khi u phát triển đến đường kính từ 3-5 cm. Khối u thông thường rất cứng, bề mặt nhấp nhô không bằng phẳng, hoặc có hình dạng cục/viên. Ở những bệnh nhân có thể trạng gầy thì khi khám có thể phát hiện khối u nằm ở cực dưới của thận, có thể sờ thấy khối u.
  • Đau ở bên sườn mà không khỏi: Đau âm ỉ, lan ra trước hay xuống dưới do u phát triển to ra làm căng bao thận hoặc có thể có cơn đau quặn thận do máu cục di chuyển xuống bàng quang.\
  • Kém ăn hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)

Nếu khối u được cố định, có nghĩa là nó đã có thâm nhiễm xung quanh thận và tiên lượng tương đối xấu. Số lượng bệnh nhân có cùng lúc các dấu hiệu trên thường không nhiều, chiếm khoảng 10 – 15%, nếu xuất hiện cùng lúc thì thường là đã rơi vào giai đoạn muộn.

Các xét nghiệm giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư thận

Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám tổng quát, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như cục u hoặc bất cứ điều gì khác có vẻ bất thường. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật, phương pháp điều trị đã sử dụng, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, tiền sử bệnh tật gia đình và xung quanh.

Sau đó bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số xét nghiệm sau đây:

  • Siêu âm: Là phương pháp sử dụng sóng âm thanh năng lượng cao phát đến các cơ quan nội tạng và thu nhận phản hồi âm dội lại. Phản hồi âm tạo thành một hình ảnh của các mô cơ thể được gọi là hình ảnh siêu âm. Đây là kỹ thuật rẻ tiền, không xâm lấn, không ảnh hưởng tới bệnh nhân.
  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm sinh hoá như công thức máu, xét nghiệm tốc độ lắng máu, calci máu, chức năng gan, các rối loạn nội tiết cho phép phát hiện các dấu hiệu trong các “hội chứng cận ung thư”
  • Xét nghiệm nước tiểu: Là xét nghiệm để kiểm tra màu sắc của nước tiểu và thành phần của nó, chẳng hạn như đường, protein, hồng cầu và bạch cầu
  • Chụp CT scanner: Hình ảnh chi tiết của thận hiển thị kích thước, tính chất và mức độ lan tỏa của các khối u thận.
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Nguyên lý cơ bản của chụp MRI là một phương pháp thu hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể sống và quan sát lượng nước bên trong các cấu trúc của các cơ quan. Ảnh cộng hưởng từ hạt nhân dựa trên một hiện tượng vật lý là hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân. MRI có một ưu điểm hơn một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác đó là độ tương phản rõ rệt giữa các loại mô từ mô mềm, dịch trong tổ thương… Tuy nhiên với các chất vôi như xương, hình xơ vữa động mạch có đóng vôi thì hình ảnh của nó kém so với CT scanner.
  • Nội soi bàng quang: Một ống nhỏ (cystoscope) được đưa từ lối vào niệu đạo trên dương vật. Dụng cụ bao gồm một hệ thống ống kính và đèn chiếu sáng giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong niệu đạo, tuyến tiền liệt và bàng quang để xác định khối u ở những bênh nhân u thận hay có máu trong nước tiểu.
  • Sinh thiết: Các mẫu mô thận được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác nhận sự hiện diện của tế bào ung thư.Để làm sinh thiết cho ung thư tế bào thận, bác sĩ sẽ dùng một cây kim đưa vào khối u và rút ra một mẫu mô. Đây là bước quan trọng nhất để khẳng định có ung thư hay không.

Xét nghiệm giúp chẩn đoán giai đoạn của ung thư thận

Sau khi ung thư thận đã được chẩn đoán xác định, các xét nghiệm sau được thực hiện để tìm hiểu xem các tế bào ung thư đã lan rộng trong thận hay đến các bộ phận khác của cơ thể chưa.

Quá trình được sử dụng để tìm hiểu xem ung thư đã lan rộng trong thận hay đến các bộ phận khác của cơ thể được gọi là phân giai đoạn. Điều quan trọng là phải biết giai đoạn để lên kế hoạch điều trị. Các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để phân giai đoạn của ung thư:

  • Chụp CT-scanner: Hình ảnh chi tiết của thận hiển thị kích thước, tính chất và mức độ lan tỏa của các khối u thận.
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): giúp cho việc phân biệt một khối u nang và một khối u đặc, phát hiện các mầm ung thư trong hệ tĩnh mạch và giúp cho việc đánh giá sự xâm lấn của ung thư
  • Chụp X-quang ngực
  • Xạ hình xương

Có ba cách mà ung thư lây lan trong cơ thể. Ung thư có thể lây lan qua mô, hệ bạch huyết và máu :

  • Mô: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách phát triển sang các khu vực lân cận.
  • Hệ bạch huyết: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách xâm nhập vào hệ thống bạch huyết. Ung thư di chuyển qua các mạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Máu: Ung thư lây lan từ nơi nó bắt đầu bằng cách đi vào máu. Ung thư di chuyển qua các mạch máu đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư có thể lây lan từ nơi nó bắt đầu đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi ung thư lan sang một bộ phận khác của cơ thể, nó được gọi là di căn. Các tế bào ung thư tách khỏi nơi chúng bắt đầu (khối u nguyên phát ) và đi qua hệ thống bạch huyết hoặc máu.

Khối u di căn là loại ung thư giống như khối u nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư thận lan đến xương, các tế bào ung thư trong xương thực sự là tế bào ung thư thận. Bệnh là ung thư thận di căn không phải ung thư xương.

Các giai đoạn của ung thư thận

Phân loại ung thư thận theo TNM:

T (Khối u)

  • Tx: Không xác định được u nguyên phát.
  • T0: Không có bằng chứng u.
  • T1: U có kích thước < 7cm,  khu trú trong thận.
  • T2: U có kích thước >7cm, khu trú trong thận.
  • T3: U lan ra đến tĩnh mạch lớn hoặc thâm  nhiễm tuyến thượng thận hoặc tổ chức  mỡ quanh thận, nhưng chưa lan ra khỏi cân Gerota.
  • T3a: U xâm nhiễm  tuyến thượng thận hoặc bao mỡ quanh thận, nhưng chưa xâm lấn cân Gérota.
  • T3b: U xâm lấn vào tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ  dưới cơ hoành.
  • T3c: U xâm lấn vào tĩnh mạch chủ trên cơ hoành.
  • T4: U xâm lấm ra ngoài cân Gerota.

N (hạch)

Hạch lympho vùng là những hạch ở rốn thận, quanh động mạch và tĩnh mạch chủ bụng. Việc xâm lấn phía đối diện không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn phân loại của N.

  • Nx: Không xác định được hạch di căn.
  • N0: Không có hạch di căn.
  • N1: Di căn 1 hạch vùng.
  • N2: Di căn nhiều hơn 1 hạch vùng.

M (di căn xa)

  • Mx: Không xác định được di căn xa.
  • M0: Không có di căn xa.
  • M1: Di căn xa.

Giai đoạn ung thư thận bao gồm:

  • Giai đoạn I: Ở giai đoạn này, khối u có thể lên đến 7 cm đường kính. Khối u được giới hạn ở thận.
  • Giai đoạn II: Khối u ung thư thận lớn hơn giai đoạn I, nhưng vẫn còn giới hạn ở thận.
  • Giai đoạn III: Ở giai đoạn này, khối u vượt quá thận tới các mô xung quanh hoặc tuyến thượng thận, và cũng có thể đã lan đến hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn IV: Ung thư lan ra ngoài thận, đến các hạch bạch huyết hoặc các phần xa của cơ thể, chẳng hạn như xương, gan, não hoặc phổi

Ung thư thận tái phát

Ung thư thận tái phát là ung thư quay trở lại sau khi nó được điều trị. Ung thư có thể trở lại nhiều năm sau khi điều trị ban đầu, ở thận hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và lựa chọn điều trị

Khả năng phục hồi và các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào những điều sau đây:

  • Giai đoạn của bệnh.
  • Tuổi của bệnh nhân.
  • Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân

Các phương pháp điều trị ung thư thận

Hiện nay, có nhiều loại phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân ung thư tế bào thận. Một số phương pháp điều trị là tiêu chuẩn (phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng), và một số phương pháp đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm điều trị lâm sàng là một nghiên cứu có ý nghĩa giúp cải thiện các phương pháp điều trị hiện tại hoặc có được thông tin về các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư. Khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy một phương pháp điều trị mới tốt hơn điều trị tiêu chuẩn, phương pháp điều trị mới có thể trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Bệnh nhân có thể tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng. Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ sử dụng cho những bệnh nhân chưa bắt đầu điều trị.

Các loại điều trị tiêu chuẩn được sử dụng cho ung thư thận:

Phẫu thuật

Phương pháp được chọn lựa là phẫu thuật cắt thận kèm bóc hạch, cắt bỏ tuyến thượng thận, kèm lấy bỏ tổ chức mỡ quanh thận, cắt mạch máu buồng trứng hoặc mạch máu thừng tinh và cắt toàn bộ niệu quản sau khi lấy bỏ huyết khối tĩnh mạch. Đây là phương pháp kinh điển. Các loại phẫu thuật sau đây có thể được sử dụng:

  • Cắt thận toàn phần: Cắt hoàn toàn bên thận bị ung thư, mô lành xung quanh và các hạch bạch huyết lân cận. Các tuyến thượng thận cũng có thể được loại bỏ nếu xuất hiện khối u đã phát triển ở tuyến này. Cắt thận là một cuộc phẫu thuật lớn, có nghĩa là các bác sĩ phẫu thuật sẽ phải tạo một vết mổ lớn để tiếp cận thận. Hoặc cắt thận có thể được thực hiện nội soi, bằng cách sử dụng một vài vết mổ nhỏ để đưa dụng cụ nội soi vào thực hiện.
  • Cắt thận bán phần: Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u ở thận và các mô xung quanh nó, chứ không phải loại bỏ toàn bộ thận. Phẫu thuật có thể là mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi. Cắt thận bán phần được thực hiện khi khối u nhỏ hoặc người bệnh chỉ còn lại một bên thận hoặc bị suy giảm chức năng thận. Cắt bỏ thận hoàn toàn được thực hiện khi khối u đã lớn và rất gần với các mạch máu hoặc niệu quản.

Các loại phẫu thuật bác sĩ đề nghị sẽ được dựa trên ung thư và giai đoạn của nó, cũng như sức khỏe người bệnh. Phẫu thuật mang nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng.

Một người có thể sống với một phần của 1 quả thận đang hoạt động, nhưng nếu cả hai quả thận bị cắt bỏ hoặc không thể hoạt động được nữa, người đó sẽ cần lọc máu  hoặc ghép thận (thay thế bằng thận của một người khỏe mạnh hiến thận).

  • Thuyên tắc mạch máu chính: Phương pháp này có thể được dùng để thu nhỏ khối u và ngăn chặn xuất huyết. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một số hạt nhỏ để chặn mạch máu chính đến thận nên khối u không thể lấy máu có chứa oxy và các chất khác cần thiết để tăng trưởng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể giết chết khối u, mà chỉ giúp bệnh nhân ổn định hơn trước khi phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật, một số bệnh nhân có thể được hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Điều trị được đưa ra sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư sẽ quay trở lại được gọi là liệu pháp bổ trợ (xạ trị, hóa trị)

Xạ trị

Năng lượng cao được đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư và giảm thiểu triệu chứng đau khi bệnh đã di căn vào xương. Máy chiếu xạ sẽ hướng tia xạ vào vùng bị bệnh để điều trị kết hợp bảo vệ các mô lành khỏi sự tấn công của khối u. Song song với đó, các bác sĩ sẽ đưa các loại thuốc hóa trị vào cơ thể để chống lại tế bào ung thư và ngăn cản sự tái phát của chúng.

Hóa trị

Hóa trị không thường được sử dụng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào thận. Tuy nhiên, nó có thể sử dụng để điều trị ung thư tế bào chuyển tiếp – bệnh ung thư của niệu quản đôi khi bắt đầu trong thận. Phương pháp hóa trị có thể được sử dụng trước khi tiến hành phẫu thuật để thu nhỏ khối u, làm cho việc loại bỏ dễ dàng hơn hoặc sử dụng để điều trị các tế bào ung thư di căn đến các phần xa của cơ thể.

Liệu pháp sinh học

Là một dạng điều trị tăng cường khả năng kháng ung thư tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch). Interleukin-2 và interferon là hai loại thuốc sử dụng trong liệu pháp sinh học để điều trị ung thư thận giai đoạn muộn. Các thử nghiệm lâm sàng tiếp tục nghiên cứu các phương pháp tốt hơn để tiến hành liệu pháp sinh học đồng thời có thể giảm được tác dụng phụ. Nhiều bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp sinh học cần nằm viện trong thời gian điều trị để có thể theo dõi được các tác dụng phụ này

  • Nivolumab: Nivolumab là một kháng thể đơn dòng giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư tế bào thận.
  • Interferon: Interferon ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào ung thư và có thể làm chậm sự phát triển của khối u.
  • Interleukin-2 (IL-2): IL-2 giúp tăng trưởng và tăng hoạt động của nhiều tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào lympho. Tế bào lympho có thể tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Liệu pháp nhắm đích

Liệu pháp nhắm đích sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể mà không gây hại cho các tế bào bình thường. Liệu pháp nhắm đích với các tác nhân chống ung thư được sử dụng để điều trị ung thư tế bào thận tiến triển. Các tác nhân chống ung thư ngăn chặn hình thành các mạch máu trong khối u, khiến khối u bị chết đói và ngừng phát triển hoặc co lại. Kháng thể đơn dòng và thuốc ức chế kinase là hai loại chất chống ung thư được sử dụng để điều trị ung thư tế bào thận.

  • Liệu pháp kháng thể đơn dòng sử dụng các kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ một loại tế bào trong hệ thống miễn dịch. Những kháng thể này có thể xác định các chất trên tế bào ung thư hoặc các chất bình thường có thể giúp các tế bào ung thư phát triển. Các kháng thể gắn vào các chất và tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng hoặc giữ cho chúng không lan rộng. Kháng thể đơn dòng dùng theo đường tĩnh mạch. Chúng có thể được sử dụng một mình hoặc để mang thuốc, chất độc hoặc chất phóng xạ trực tiếp đến các tế bào ung thư. Kháng thể đơn dòng được sử dụng để điều trị ung thư tế bào thận bám vào và ngăn chặn các chất làm cho các mạch máu mới hình thành trong các khối u.
  • Các chất ức chế Kinase ngăn chặn các tế bào phân chia và có thể ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới mà khối u cần phát triển. Everolimus và temsirolimus là những chất ức chế mTOR được sử dụng để điều trị ung thư tế bào thận tiến triển.

Cắt bỏ u bằng tần số vô tuyến (Radiofrequency ablation-RFA)

Đây là một kỹ thuật sử dụng năng lượng nhiệt để phá hủy các tế bào khối u. Kỹ thuật cắt bỏ u bằng tần số vô tuyến (RFA) và theo dõi tích cực áp dụng cho bệnh nhân cao tuổi với nhiều vấn đề về sức khỏe, không phù hợp với việc phẫu thuật.

Theo dõi tích cực (Active surveillance)

Các bệnh nhân có khối u thận nhỏ sẽ được lựa chọn để theo dõi chặt chẽ với việc scan thận để đánh giá tốc độ tăng trưởng hoặc các thay đổi của khối u.

Chăm sóc giảm nhẹ

Nguyên tắc điều trị là phối hợp đa mô thức gồm phẫu thuật giải phóng chèn ép, xạ trị giảm đau, xạ trị chống chèn ép, chăm sóc triệu chứng. Điều trị bằng thuốc giảm đau, chăm sóc tâm lý và các điều trị nội khoa khác (tăng cường dinh dưỡng, chống thiếu máu…).

Ngoài ra, có một số liệu pháp hỗ trợ bệnh nhân ung thư thận. Sử dụng liệu pháp hỗ trợ có thể giúp đối phó với dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến ung thư và điều trị ung thư, chẳng hạn như cảm giác đau khổ, mệt mỏi. Những người bị ung thư nói chung và ung thư thận nói riêng đều sẽ có cảm giác đau khổ sau khi nghe chẩn đoán và trong khi điều trị. Bệnh nhân có thể cảm thất thấy khó ngủ, kém ăn uống hoặc mất tập trung vào hoạt động bình thường .

Phương pháp hỗ trợ bệnh nhân bao gồm:

  • Tập thể dục
  • Thiền
  • Âm nhạc trị liệu
  • Bài tập thư giãn

Thử nghiệm lâm sàng

Đối với một số bệnh nhân, tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Thử nghiệm lâm sàng là một phần của quá trình nghiên cứu ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để tìm hiểu xem phương pháp điều trị ung thư mới có an toàn và hiệu quả hay tốt hơn so với điều trị chuẩn.

Nhiều phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn ngày nay dựa trên các thử nghiệm lâm sàng trước đó. Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể được điều trị theo tiêu chuẩn hoặc là một trong những người đầu tiên được điều trị theo phương pháp mới.

Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng cũng giúp cải thiện cách điều trị ung thư trong tương lai. Ngay cả khi các thử nghiệm lâm sàng không dẫn đến các phương pháp điều trị mới hiệu quả, vẫn có những thông tin quan trọng sẽ thu nhận được và giúp tiến hành nghiên cứu trong tương lai

Bệnh nhân có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng trước, trong hoặc sau khi bắt đầu điều trị ung thư.

Một số thử nghiệm lâm sàng chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chưa được điều trị. Các thử nghiệm khác điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư không đỡ hơn. Cũng có những thử nghiệm lâm sàng thử nghiệm những cách mới để ngăn chặn ung thư tái phát hoặc giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư. Tham gia vào thử nghiệm lâm sàng có thể cho cơ hội để thử các phương pháp điều trị mới nhất, nhưng nó không thể đảm bảo chữa bệnh. Thảo luận về các thử nghiệm lâm sàng có sẵn với bác sĩ và cẩn thận cân nhắc những lợi ích và rủi ro.

Điều trị ung thư thận theo giai đoạn

Một số xét nghiệm đã được thực hiện để chẩn đoán ung thư hoặc tìm ra giai đoạn ung thư có thể được lặp lại. Một số xét nghiệm sẽ được lặp lại để xem điều trị có hiệu quả như thế nào. Quyết định về việc có nên tiếp tục, thay đổi hoặc ngừng điều trị dựa trên kết quả của các xét nghiệm này.

Một số xét nghiệm sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi điều trị kết thúc. Kết quả của các xét nghiệm này có thể cho thấy nếu tình trạng của bệnh nhân đã thay đổi hoặc ung thư đã tái phát . Những xét nghiệm này đôi khi được gọi là xét nghiệm theo dõi hoặc kiểm tra.

Giai đoạn I

Điều trị ung thư tế bào thận giai đoạn I có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật (cắt thận toàn phần hoặc cắt thận bán phần ).
  • Liệu pháp giảm nhẹ như xạ trị để giảm triệu chứng ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật.
  • Liệu pháp giảm nhẹ như thuyên tắc động mạch.

Giai đoạn II

Điều trị ung thư tế bào thận giai đoạn II có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật (cắt thận toàn phần hoặc cắt thận bán phần).
  • Phẫu thuật (cắt thận), trước hoặc sau xạ trị .
  • Xạ trị như một liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật.
  • Thuyên tắc động mạch như liệu pháp giảm nhẹ.

Giai đoạn III

Điều trị ung thư tế bào thận giai đoạn III có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật (cắt thận toàn phần). Mạch máu của thận và một số hạch bạch huyết cũng có thể được loại bỏ.
  • Thuyên tắc động mạch sau đó là phẫu thuật (cắt thận toàn phần).
  • Xạ trị như một liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống .
  • Thuyên tắc động mạch như liệu pháp giảm nhẹ.
  • Xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật (cắt thận toàn phần).

Giai đoạn IV và ung thư tế bào thận tái phát

Điều trị ung thư tế bào thận giai đoạn IV và tái phát có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật (cắt thận toàn phần)
  • Phẫu thuật (cắt thận bán phần) để giảm kích thước khối u .
  • Liệu pháp nhắm đích.
  • Liệu pháp sinh học.
  • Xạ trị như một liệu pháp giảm nhẹ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư thận

Quá trình điều trị ung thư sẽ làm cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Do đó, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học để họ có thể chống chọi lại bệnh tật.

Thông thường, người bệnh ung thư sẽ mất cảm giác ngon miệng và luôn thấy chán ăn hay tiêu hóa không tốt sau khi ăn. Để giúp họ có cảm giác ăn ngon miệng hơn, cần chuẩn bị thực đơn phong phú và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Hằng năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, khoảng 80% bị sụt cân và 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Tuy nhiên rất ít khi người bệnh được đề cập đến chế độ dinh dưỡng thế nào cho hợp lý.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với bệnh nhân ung thư thận nên đa dạng các nhóm thực phẩm. Cụ thể, dinh dưỡng hàng ngày của người bệnh nên bao gồm những thực phẩm sau:

  • Trái cây và rau quả: Đây là những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe của người bệnh, là nhóm thực phẩm giàu vitamin và chất xơ. Theo đó, trong thực đơn hàng ngày, nhóm trái cây và rau quả nên chiếm 20-30%, nên dùng các loại rau quả ít đạm với hàm lượng kali thấp.
  • Các loại ngũ cốc: Những loại ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin B, sắt và chất xơ. Chúng có trong lúa mì, gạo nâu, bột yến mạch. Bệnh nhân cần dung nạp các loại ngũ cốc để tăng cường các dưỡng chất cho cơ thể.
  • Chất béo: bệnh nhân ung thư thận chỉ nên nạp 30-35g chất béo mỗi ngày.
  • Chất đạm: Chất đạm rất quan trọng để giúp bệnh nhân tăng sinh lực và chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, nếu dung nạp quá nhiều chất đạm cũng sẽ không tốt cho sức khỏe của người bệnh. Nên ăn những thức ăn chứa nhiều đạm có nguồn gốc từ động vật như cá, trứng, sữa…

Điều quan trọng trong quá trình điều trị là bệnh nhân cần duy trì trọng lượng cơ thể. Họ nên được ăn những thực phẩm giàu năng lượng, giàu protein như bơ đậu phộng, kem sữa, thịt, pho mát và sữa nguyên kem. Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư thận cũng cần tăng cường ăn các chất bột đường từ mật ong, khoai lang, bột sắn dây, miến dong…

Bệnh nhân ung thư thận nên loại bỏ hẳn các loại dưa, cà, mắm tôm, cá mắm, rượu, bia… trong thực đơn hàng ngày của mình. Đồng thời, họ cũng không được sử dụng muối, mì chính và chỉ được phép dùng 1 thìa nước mắm mỗi ngày. Họ cũng chỉ nên chọn những thực phẩm nhạt và tránh các loại thức ăn cay, chua hoặc có tính axit.

Về nước uống, bệnh nhân ung thư thận nên uống nước đun sôi để nguội, nước rau luộc, nước hoa quả (cam, quýt). Tránh uống các loại đồ uống có ga, nước giải khát…

Tiên lượng ung thư thận

Tiên lượng tốt nhất khi khối ung thư vẫn còn nằm trong thận, chưa di căn và bệnh nhân nói chung có sức khỏe tốt. Phẫu thuật cắt bỏ một quả thận trong tình huống này có thể là một cơ hội tốt để chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bị ung thư thận chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã lan rộng. Trong những trường hợp này các phương pháp điều trị ít khả quan hơn.

Điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của khối u. Kết quả điều trị cũng có thể khác nhau tùy từng trường hợp. Điều này có thể liên quan một phần đến phân loại chính xác hoặc mức độ ung thư. Một số thể ung thư thận khó, thậm chí những trường hợp đã phát triển và lan rộng, vẫn có đáp ứng với điều trị tốt hơn các trường hợp khác. Điều trị ung thư là một lĩnh vực đang phát triển của y học.

Các phương pháp điều trị mới tiếp tục được phát triển và các thông tin về tiên lượng nói trên là rất chung chung.

Phòng tránh ung thư thận

  • Bỏ hút thuốc: Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá ngay. Có nhiều phương pháp bỏ thuốc bao gồm cả các chương trình hỗ trợ, thuốc và các sản phẩm thay thế nicotine.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả: Thêm nhiều trái cây và rau quả vào chế độ ăn. Một loạt các loại trái cây và rau quả giúp đảm bảo bạn đang nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Thay thế một số đồ ăn nhẹ và món ăn phụ với hoa quả và rau có thể giúp giảm cân.
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: tập thể dục đều đặn để duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Nếu đang thừa cân hoặc béo phì, giảm số calo tiêu thụ mỗi ngày và cố gắng luyện tập tích cực. Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp giảm cân an toàn
  • Kiểm soát cao huyết áp: Sử dụng thuốc hạ áp đều đặn. Các biện pháp như tập thể dục giảm cân và thay đổi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ người cao huyết áp.
  • Giảm bớt hoặc tránh tiếp xúc với chất độc môi trường: Nếu làm việc với hóa chất độc hại, bạn hãy chủ động chuẩn bị khẩu trang và bao tay.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment